Tin tức

Tân cảm giác Thượng Hải – Đời sống đô thị hiện đại từ một cảm quan mới

Tân cảm giác Thượng Hải

Cuối thập niên 20 của thế kỉ XX, văn hoá cận đại Thượng Hải là sản phẩm giao thoa giữa hai miền Đông Tây. Sau Chiến tranh Nha phiến, chính phủ Anh và triều đình nhà Thanh kí kết Hiệp ước Nam Kinh, mở ra nhiều thị trường buôn bán của Anh tại Trung Quốc và sau đó là tô giới ngoại quốc tại Thượng Hải. Từ đó, Thượng Hải bắt đầu quá trình kết hợp Đông-Tây, mở đường cho chủ nghĩa tư bản tiến vào đại lục. Đời sống của thị dân Thượng Hải có sự phân hoá rõ ràng, như Trần Đan Yến miêu tả trong cuốn Phong hoa tuyết nguyệt Thượng Hải: một bên sống giữa phố phường, một đằng trong cùng ngõ hẻm. Chính giữa mảnh đất hỗn tạp này, một trào lưu có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của văn học hiện đại Trung Quốc đã xuất hiện dưới cái tên Tân cảm giác.

Tuyển tập “Điệu foxtrot Thượng Hải” bao gồm những truyện ngắn tiêu biểu nhất của Mục Thời Anh.

Tân cảm giác là trào lưu văn học du nhập vào Trung Quốc đầu những năm 1930. Xuất phát từ Nhật Bản, văn học Tân cảm giác được Lưu Niệt Âu, một nhà văn quê quán Đài Loan và từng có thời gian đi du học ở xứ sở hoa anh đào, giới thiệu với các bạn văn tại Thượng Hải. Ở Nhật, văn học Tân cảm giác gắn liền với tên tuổi của hai văn hào Yokomitsu Riichi và Kawabata Yasunari. Năm 1925, trong bài tiểu luận được xem như tuyên ngôn nghệ thuật của trường phái Tân cảm giác “Luận giải về khuynh hướng mới của các nhà văn mới” đăng trên tạp chí Văn nghệ thời đại, Kawabata Yasunari luận bày tân cảm giác là cái mới về mặt cảm xúc, nội dung và hình thức thể hiện. Trường phái Tân cảm giác khước từ chủ nghĩa hiện thực trong tiểu thuyết truyền thống, đề cao vai trò của trực giác trong việc cảm thụ cái đẹp [5]. “Đó là sự cảm nhận trực tiếp, là những rung động tình cảm cùng tần số với cái đẹp mà nếu dùng lí trí mổ xẻ sẽ làm tổn thương đến nó.” [6]

Tháng 9 năm 1928, Lưu Niệt Âu thành lập nguyệt san Chuyến tàu không đường ray ở Thượng Hải, sau lại đến hai tờ Tân văn nghệHiện đại, thảy đều là phương tiện hoạt động, nơi đăng tải chính của các tác phẩm thuộc trường phái Tân cảm giác. Nội dung chủ đạo dưới ngòi bút của các nhà văn trong phái là đời sống đô thị của đàn ông, phụ nữ thời đại tư bản hoá, ai nấy trầm mê hưởng thụ vật chất nhưng lòng ôm nỗi cô đơn, áp lực. Thượng Hải trải qua phát triển đột biến đã trở thành một trong những đô thị quốc tế hàng đầu thế giới những năm 30 của thế kỉ XX. Tốc độ hiện đại hoá cao, nhà chọc trời, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim,… mọc lên như nấm giữa đất Trung Hoa, tạo nên thế giới xa hoa đầy thú vui của lạ. Song, đi cùng với phát triển kinh tế là sự phân tầng ngày càng rõ rệt của tầng lớp giàu nghèo và vấn nạn đạo đức mới liên tục xuất hiện trong xã hội.

Sáng tác của trường phái Tân cảm giác, từ nội dung đến hình thức, đều xoay quanh sự quan sát, thể nghiệm và cảm nhận đời sống đô thị hiện đại mà ở đó, nổi bật nhất vẫn là con người đa đoan. Các tay bút vận dụng kĩ thuật về phân tích tâm lí, dòng ý thức để đi sâu vào nội tâm nhân vật, cũng như lí giải những tác động của thế giới ngoại quan lên tinh thần một người. Thành phố hiện lên như một thực thể sống trong mối quan hệ với con người, được tái hiện đầy sống động và uyển chuyển bằng nghệ thuật dựng phim (montage) đưa vào văn học. Ngoài việc tham khảo các thủ pháp phương Tây, văn phái còn đề cao việc đổi mới, sáng tạo và thử nghiệm đa dạng lối viết.

Tân cảm giác

Các nhà văn phái Tân cảm giác Thượng Hải, từ trái qua phải: Thi Trập Tồn, Mục Thời Anh, Đới Vọng Thư và Đỗ Hành.

Lưu Niệt Âu, Thi Trập Tồn và Mục Thời Anh là những cây bút tiêu biểu của Tân cảm giác Thượng Hải, trong đó Lưu Niệt Âu là người khai sơn phá thạch, Thi Trập Tồn tiếp nối phát triển và Mục Thời Anh đạt tới đỉnh cao. Cả ba có duyên tương ngộ nhờ tờ báo Tân văn nghệ do Lưu Niệt Âu và Thi Trập Tồn đứng ra biên tập, từ đó vừa là văn hữu, vừa là bằng hữu, sát cánh với nhau trong nhiều phương diện cuộc sống. Không cờ không trống, sự hình thành của văn phái diễn ra âm thầm, tưởng chừng ngẫu nhiên. Tuy đều theo nghiệp viết, song trước khi quy về một mối, các nhà văn có bối cảnh và con đường riêng. Điểm chung của họ có lẽ chính là niềm khát khao đeo đuổi, tìm kiếm sự mới mẻ trong nghệ thuật con chữ. Chính do ảnh hưởng lẫn nhau và nét tương đồng trong quan điểm nghệ thuật, nhãn quan thẩm mĩ, nhận thức xã hội được thể hiện qua ngòi bút, họ vô tình đặt nền móng và mở đường cho trào lưu văn học Tân cảm giác tại Trung Quốc.

Tập truyện Phong cảnh đô thị của Lưu Niệt Âu là áng văn đầu tiên mang màu sắc tân cảm giác trên văn đàn Trung Hoa, còn có truyện ngắn “Điệu foxtrot Thượng Hải” của Mục Thời Anh là tác phẩm mang tính đại diện, hội tụ những yếu tố tinh hoa của cả trào lưu. Ngoài ra, các tác phẩm nổi bật khác gồm có tuyển tập truyện ngắn Điệu foxtrot Thượng Hải, Tình yêu của thánh nữ còn trinh (圣处女的感情, 1935) của Mục Thời Anh, Phong cảnh đô thị (都市风景线, 1930) của Lưu Niệt Âu, Thượng Nguyên đăng (上元灯, 1929), Đêm mưa dầm (梅雨之夕, 1933) của Thi Trập Tồn,… Những câu chuyện về thế giới đô thị mang đậm ảnh hưởng của tư bản phương Tây, nơi con người sống giữa muôn trùng hoa lệ nhưng nhỏ bé, đơn độc, kiệt quệ, biến chất, vẫn vang vọng tiếng lòng cộng hưởng tới tận ngày nay.

Tân cảm giác

Vũ trường Thượng Hải những năm 1930.

Tài liệu tham khảo

  1. Trần Trương Mạnh Hoài, “Trường phái tân cảm giác trong văn học nhật bản đầu thế kỷ XX”, luận văn thạc sĩ Văn học nước ngoài, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, 2014.
  2. Trần Huệ Trung, “Sự hình thành của trưởng phái văn học Tân cảm giác ở Trung Quốc”, đăng trong tạp chí Nghiên cứu lí luận văn nghệ tại Thượng Hải (kì 2, 1995), NXB Đại học Sư phạm Hoa Đông. Nguồn: https://www.aisixiang.com/data/93155.html
  3. Ngô Minh, “Văn hoá Thượng Hải và phái Tân cảm giác”. Nguồn: https://www.wenmi.com/article/q043u102w58v.html
  4. Cao Húc Đình, “Phân tích giản lược về nghệ thuật của phái Tân cảm giác”. Nguồn: https://www.lunwendata.com/thesis/2017/97673.html
  5. Scott Miller, “Trường phái Tân cảm giác”, Từ điển lịch sử Sân khấu và Văn học Nhật Bản hiện đại, Scarecrow Press, 2009.
  6. Lê Thị Hường, “Kawabata Yasunari – “người lữ khách ưu sầu” đi tìm cái đẹp”. Nguồn:http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c89/n329/Kawabata-Yasunari-nguoi-lu-khach-uu-sau-di-tim-cai-dep.html
  7. TS Nguyễn Thị Diệu Linh, “Lưu Niệt Âu và giấc mơ mang tên Thượng Hải”. Nguồn:http://nguvan.hnue.edu.vn/Nghi%C3%AAn-c%E1%BB%A9u/V%C4%83n-h%E1%BB%8Dc-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ngo%C3%A0i/p/luu-niet-au-va-giac-mo-mang-ten-thuong-hai-1430