John Sellars là giảng viên Triết học tại trường Royal Holloway thuộc Đại học London và là thành viên của Cao đẳng Wolfson, Oxford. Ông cũng là thành viên của hai tổ chức phi lợi nhuận Chủ nghĩa Khắc kỉ Hiện đại và Tổ chức Aurelius nhằm mang triết lí cổ đại của Chủ nghĩa Khắc kỉ đến với nhiều đối tượng hơn.
Cuốn sách Chủ nghĩa Khắc kỉ 101 đã thể hiện nỗ lực của ông trong việc tóm lược những nguyên lí chính của chủ nghĩa Khắc kỉ, nhằm đem tới cho bạn đọc đương đại một cái nhìn khái lược mà đầy đủ về lối sống không bao giờ lỗi thời của các triết gia cổ đại.
Chủ nghĩa Khắc kỉ là gì?
Stoicism – chủ nghĩa Khắc kỉ là một trường phái triết học Hi Lạp cổ đại, được sáng lập bởi nhà hiền triết Zeno thành Citium ở Athens, Hi Lạp khoảng thế kỉ III TCN. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, chủ nghĩa này vẫn chưa được biết đến nhiều cho tới khi được Seneca, Epictetus và Marcus Aurelius phát triển và áp dụng vào thực tiễn đời sống.
Trong Chủ nghĩa Khắc kỉ 101, John Sellars thay vì tập trung vào tiểu sử hay các sự kiện trong đời của ba nhà Khắc kỉ này, ông đi sâu vào đúc kết những bài học mang tính ứng dụng cao không chỉ trong thời xưa mà cả trong thời đại ngày nay.
Những bài học Khắc kỉ giúp ta vượt qua khó khăn, chấp nhận và đối diện với nghịch cảnh để hoàn thiện bản thân mỗi ngày.
Hiểu rõ vị trí, vai trò của bản thân
Một trong những mối bận tâm của các nhà triết học đó chính là số phận, vai trò của con người đối với giới Tự nhiên và với cộng đồng nơi họ sinh sống. Các nhà Khắc kỉ cũng cho rằng con người về bản chất là động vật chính trị xã hội. Epictetus nhấn mạnh mỗi chúng ta đều đảm nhận các vai trò xã hội khác nhau với nghĩa vụ chung là chăm sóc tất cả mọi người, bao gồm các thành viên trong gia đình, bạn bè thân hữu và những người xung quanh.
Ta đều là thành viên của một cộng đồng duy nhất, là bộ phận của một sinh thể đơn lẻ – Trái Đất, giống như cành lá trên cây. Thông qua lời khuyên của những bậc triết gia xưa, những lí lẽ, lập luận đanh thép, John Sellars đã chứng minh điều này luôn đúng trong mọi thời đại, mọi cộng đồng lớn nhỏ. Vì sẽ thật sai lầm nếu ta tự cho mình là một cá nhân biệt lập mà phớt lờ hay tách rời với xã hội rộng lớn.
Vậy, ta phải làm gì? Chấp nhận mình là một phần của Tự nhiên và xã hội. Phát triển thói quen tích cực, lành mạnh cùng với những người có chung quan điểm, lối sống với bản thân. Đồng thời, thực hiện vai trò của mình với tư cách một thành viên thuộc cộng đồng xã hội mà ta dự phần.
Cốt lõi của chủ nghĩa Khắc kỉ
Epictetus cho rằng phần lớn khổ đau bắt nguồn từ việc nhầm lẫn khi phân loại đâu là thứ ta có hoặc không thể kiểm soát. Số lượng những điều bạn không thể kiểm soát thì nhiều vô hạn, chẳng hạn như thời tiết (nắng hay mưa), lòng người (ai đó yêu hay ghét bạn), tình hình chính trị, kinh tế thế giới,…
Trái lại, những thứ ta hoàn toàn làm chủ thì ít hơn nhiều, chẳng hạn tư kiến hay mục tiêu. Tư kiến là những suy nghĩ về những việc xảy ra xoay quanh chính bản thân ta. Tư kiến vô cùng quan trọng bởi nó quyết định cách ta hành động, đồng thời kiểm soát ham muốn và động lực của ta. Tất cả những gì ta có thể làm là chấp nhận những điều nằm trong vùng kiểm soát xảy đến và nỗ lực tập trung vào điều ta có thể kiểm soát.
John Sellars đã đưa ra lời lí giải sáng suốt và cho ta thấy chủ nghĩa Khắc kỉ có liên quan mật thiết đến cuộc sống hiện đại. Bất cứ ai cũng có thể áp dụng phương thức cốt lõi này vào thực tế để sống đời bình yên, thanh thản.
Học cách chấp nhận những thứ nằm ngoài kiểm soát sẽ giúp ta tránh xa những cảm xúc tiêu cực. Thời tiết nóng nực, đèn đỏ, kẹt xe, tắc đường, cách cư xử của người khác,… sẽ chẳng thể làm khó ta được nữa. Khi tập trung vào bản thân, gỡ bở mọi vướng bận bên ngoài, ta sẽ phát triển và hoàn thiện hơn mỗi ngày.
Thay đổi quan điểm về cái chết, sống đời hạnh phúc
Không ai trong chúng ta biết chính xác thời điểm và cách thức mình lìa đời, nhưng ta luôn hiểu một ngày nào đó ta rồi cũng về cõi vĩnh hằng. Epictetus nhấn mạnh ta nên nghĩ cái chết không phải điều gì kinh khủng, được sống vốn là thứ phiếm định nằm ngoài tầm kiểm soát của ta.
Marcus Aurelius thì viết: Đừng sống như kiểu trước mắt bạn còn vô số năm để sống. Cái chết luôn phủ bóng lên bạn. Trong khi còn sống và còn có thể – hãy sống cho tốt. Chủ nghĩa Khắc kỉ khuyên ta tương tác với cách thế giới khách quan đang vận hành theo cách riêng của nó, thay vì bắt nó phải vận hành theo cách ta mong muốn.
Ngẫm nghĩ về cái chết, về sự hữu hạn của thời gian, ta sẽ sống trọn vẹn cho hôm nay, cho những giây phút của hiện tại. Không sử dụng thời gian cho những điều vô nghĩa, tầm phào. Thay vào đó, trân trọng từng khoảng khắc dành cho bản thân và những người ta trân quý.
Trong hơn 100 trang sách, tác giả đã đưa ra quan điểm hết sức rõ ràng, gãy gọn, dễ nắm bắt về lối sống khắc kỉ. Kế thừa những tư tưởng không bao giờ lỗi thời của các triết gia Khắc kỉ cổ đại, John Sellars bàn về cách sống – làm sao hiểu rõ vị trí của mình trên thế gian, ứng phó khi gặp cơn sóng cả, quản lí cảm xúc bản thân, cư xử với người khác, và sống đời tốt đẹp xứng danh người lí trí.
Bằng lối viết ngắn gọn, súc tích, Chủ nghĩa Khắc kỉ 101 chính là nhập môn hoàn chỉnh xuất sắc cho bất cứ ai muốn trải nghiệm lối sống và tư tưởng chủ nghĩa Khắc kỉ. Cuốn sách đã được độc giả nhiều nước trên thế giới đón nhận như Hi Lạp, Nga, Ý, Tây Ban Nha, Đài Loan, v.v. Chắc chắn, bạn đọc Việt Nam cũng nên sở hữu cho mình một ấn bản tiếng Việt, để tự mình trải nghiệm những tư tưởng, bài học đáng giá của các bậc triết gia xưa.