Tin tức

Chủ nghĩa Khoái lạc 101 – Cái đáng hưởng thụ ở đời

Cuốn Chủ nghĩa Khoái lạc 101 của nhà San Hô phát hành cuối năm 2022, dịp Giáng sinh, Tết Tây, Tết Ta rộn ràng, kéo theo vô số cuộc hội hè, chè chén tưng bừng. Khi người ta lo du ngoạn, ăn sao cho ngon, mặc sao cho đẹp, thì cuốn sách này bảo: “Bữa ăn ngon bị lãng quên ngay ngày hôm sau.”

Về mặt triết học, cuốn này khá đặc biệt, ở chỗ tìm mua sách về Khắc kỉ dễ mà sách về Khoái lạc thì khó, dù hai trường phái cùng định hình diện mạo triết học thời kì Hi Lạp hoá, cùng đưa ra những lời khuyên chí lí về hạnh phúc, và cùng có ảnh hưởng sâu rộng tới văn minh phương Tây 2000 năm sau. Có lẽ con người ở thời đại tiêu dùng hiểu quá rõ thế nào là sung sướng, nên chợt trong lòng thấy mình cần “khắc kỉ”, hơn là đắm chìm tiếp tục vào “khoái lạc”?

Cái tên tiếng Việt thật dễ dàng đánh lừa người ta: không hiểu ông tổ của triết lí này phải là tay chơi cự phách tới bực nào, mới hình thành cả một hệ tư tưởng? Sự thực, Epicurus, triết gia sáng lập trường phái Khoái lạc, sống một đời “khổ hạnh”. Mỉa mai thay, người cùng thời đơm đặt sai lệch về ông, người đời sau cũng lấy tên ông để gọi những người giỏi ăn ngon mặc đẹp (từ “epicure” trong tiếng Anh). Trong sách có sự phân biệt giữa chủ nghĩa Khoái lạc (Epicurism) với chủ nghĩa Hưởng lạc (Hedonism). Cái mà chủ nghĩa Khoái lạc chúng ta đang bàn hướng đến là niềm vui tinh thần tĩnh lặng, nó dùng lí tính quét mắt qua những ham thích phù du, thấu hiểu, rồi chối từ. Mọi niềm vui “vốn dĩ đều tốt đẹp”, nhà Khoái lạc tường giải, “nhưng trong một số trường hợp nhất định, những thứ tạo ra niềm vui sẽ gây xáo trộn lớn hơn gấp nhiều lần so với giá trị niềm vui.”

Cuộc vui của các nhà Khoái lạc thật kì lạ, họ không buông thả mình, mà giữ cho lí trí sáng trong, họ cân đong niềm vui với nỗi khổ bằng một phép tính: “phép tính khoái lạc”. Thử nghĩ, một tuần anh có bốn năm bữa tất niên, bữa nào cũng toàn của ngon vật lạ, anh có muốn dự hết không? Hãy nghĩ về sức khoẻ sau khi cụng hết chỗ rượu bia chúc tụng; về cân nặng sau khi nạp thoả thuê tinh bột, chất béo; về bữa tất niên đích thực ta mong chờ bên người thân yêu, mà chắc sẽ có người phải bỏ lỡ. Ăn ngon là một niềm khoái lạc, tại sao có người đồng ý dự bữa này, và từ chối bữa khác? Phép tính khoái lạc nảy sinh (bên cạnh nhiều toan tính khác): “Bữa ăn ngon bị lãng quên ngay ngày hôm sau. Nhưng niềm vui tinh thần từ cuộc chuyện trò vui vẻ với bè bạn trong chính bữa ăn lại thường in dấu trong lòng ta.” Có một số bữa ăn mang lại niềm khoái lạc lớn lao hơn bữa ăn khác, sự hưởng thụ ấy không đến từ vị giác, mà đến từ tinh thần.

Cùng ra đời vào thời kì đế chế La Mã mở ra một xã hội tầm thế giới rộng lớn chưa từng thấy, nơi các nền văn minh, các tư tưởng, các vị thần và các dân tộc đến từ muôn phương gặp gỡ, hai học thuyết Khắc kỉ và Khoái lạc có cách ứng xử xã hội rất khác biệt. Các nhà Khắc kỉ xông xáo nắm giữ các vai trò quan trọng trong thể chế cầm quyền, đặt nền móng cho chủ nghĩa thế giới sẽ ngày một thành hình rõ rệt trong thời đại của chúng ta. Ngược lại, các nhà Khoái lạc lui về Hoa viên bên ngoài bức tường thành, chia sẻ cuộc sống chung bình dị với bạn bè thân hữu. Epicurus dành mối quan tâm đặc biệt cho tình bạn, với ông, nó là yếu tố quan trọng bậc nhất tạo nên hạnh phúc. Cộng đồng lí tưởng của ông hình thành trên cơ sở tình bạn, nơi mối quan hệ giữa người với người là bao dung, sẵn lòng tương trợ. Thế giới ấy thật khác những cái đô thị khổng lồ đang không ngừng bành trướng ở thế kỉ này. Các nhà Khắc kỉ hay Khoái lạc đều không kêu gọi thu mình vào nội giới, tầm nhìn của họ thấu tỏ rằng mỗi cá nhân phải tìm đến cộng đồng thuộc về mình. Khác chăng, các nhà Khắc kỉ nương mình vào cộng đồng nhân loại, còn sống kiểu Khoái lạc, thì ta tìm đến một nhóm bạn, lập một Hoa viên, chung sức sẻ chia, bao dung lẫn nhau, đấy chính hạnh phúc. Còn làm sao để cái Hoa viên ấy rộng lớn thành cả thành phố, cả quốc gia, cả thế giới? E rằng nan giải.

Tôi thấy rất thú vị khi các giáo sư triết học như John Sellars tạm rời văn phong học thuật, bàn về những chuyện bình dị ở cuộc đời. Đọc xong Chủ nghĩa Khoái lạc 101, tôi ngộ ra mình sẽ quên ngay món gà luộc tất niên, mà nhớ mãi tình cảm ấm áp bên người thân. Đấy là lí do tôi cứ ngóng đợi bữa cơm ấy mãi, vì niềm vui tinh thần tĩnh lặng bên người thân mới là khoái lạc đích thực, hơn hẳn vị ngon (đã hơi nhàm) của con gà kia.