Nuôi dưỡng cảm xúc có thể là một công việc phức tạp và cần nhiều thời gian, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Nhưng đó cũng là một trong những thứ quan trọng nhất trong quá trình con bạn lớn lên, giúp con kết bạn và hình thành mối quan hệ sâu sắc hơn với những người xung quanh. Nuôi dạy con phát triển cảm xúc giúp chúng có thể giao tiếp tốt hơn, tăng sự đồng cảm, cũng như hiểu được cảm xúc của chính mình.
Nuôi dạy con giúp con hiểu rõ cảm xúc bằng cách đặt tên cho cảm xúc
Trẻ em ở độ tuổi mầm non và mẫu giáo có thể cảm thấy những cảm xúc giống như những đứa trẻ lớn hơn, nhưng chúng lại chưa có vốn từ vựng đủ để diễn đạt những cảm xúc đó với sự mô tả chi tiết.
Điều quan trọng đối với trẻ nhỏ là bắt đầu học những từ cơ bản để mô tả cảm xúc. Đây là những cảm xúc mà con có thể cảm thấy hàng ngày hoặc hàng tuần: Sung sướng – Buồn – Sợ hãi – Bị kích thích – Tức giận – Phiền phức – Ngạc nhiên. Đây đều là những cảm xúc cơ bản của một con người, bố mẹ hãy dạy trẻ những từ vựng này để trẻ có thể tự gọi tên cảm xúc của mình và hiểu người khác hơn.
Tất nhiên, đây cũng không phải tất cả những cung bậc cảm xúc của trẻ. Có rất nhiều cảm giác khác mà trẻ em có thể trải nghiệm dựa trên môi trường hoặc tình huống xảy ra xung quanh chúng. Nuôi dạy con về cảm xúc có thể phức tạp khi bạn làm việc với những trẻ nhỏ có vốn từ vựng hạn chế, nhưng sẽ cung cấp rất nhiều lợi ích cho trẻ khi lớn lên, nếu bố mẹ nói về cảm xúc và cách xử lý chúng từ khi trẻ còn nhỏ.
Lợi ích của việc nuôi dạy con về cảm xúc
Dạy con về cảm xúc của chúng và cách quản lý những cảm xúc của mình là điều cần thiết cho cả thể chất và tinh thần của trẻ. Tất cả chúng ta đều trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, và việc hiểu được cảm xúc của mình sẽ giúp chúng ta có thể vượt qua chướng ngại vật một cách tập trung, bình tĩnh hơn.
Đây là một điểm rất quan trọng bởi vì, là cha mẹ, chúng ta đôi khi mắc sai lầm khi chỉ tập trung vào hạnh phúc như một cảm giác có thể chấp nhận được để thể hiện. Ai cũng muốn con mình hạnh phúc. Nhưng việc tập trung vào một cảm xúc này mà không nhận biết và thừa nhận những cảm xúc khác có thể vô tình gửi nhầm thông điệp đến con bạn. Con có thể bắt đầu tin rằng tất cả cảm giác khác của mình là sai.
Ghen tị, buồn bã, tức giận và những cảm xúc khác là những phần tự nhiên trong trải nghiệm của con người. Đó là lý do tại sao việc nói chuyện cởi mở về những cảm xúc khác nhau là điều cần thiết để trẻ biết cách xác định chúng và không ngại bày tỏ chúng một cách lành mạnh.
Dưới đây là 7 cách để bố mẹ giúp trẻ hiểu rõ về cảm xúc của mình hơn.
1. Khuyến khích con bình luận về các nhân vật
Trong các bộ phim, chương trình truyền hình hoặc khi đang đọc sách, đọc tin tức, hãy tạm dừng để hỏi con bạn cảm nhận về các nhân vật như thế nào. Đề xuất các tình huống khác nhau và thảo luận xem những tình huống đó sẽ tác động đến cảm giác của con như thế nào.
Ví dụ, nếu một nhân vật trong sách đang đi xe đạp, sau đó bị ngã và xây xát đầu gối, bạn có thể yêu cầu trẻ mô tả cảm giác của nhân vật vào thời điểm đó. Nói về những gì con cảm thấy và lý do tại sao con lại có cảm giác như vậy.
Việc làm này sẽ giúp trẻ học cách quan sát và đặt mình vào vị trí của người khác hơn.
2. Thực hành để xác định cảm xúc
Trẻ nhỏ có thể khó xác định được cảm xúc của chính mình và nhận ra cảm xúc của người khác. Đó là lý do tại sao San Hô khuyên bố mẹ nên hướng dẫn con liên kết giọng nói, nét mặt và ngôn ngữ cơ thể với việc xác định cảm xúc.
Bố mẹ có thể thử nghiệm nói cùng một câu với trẻ bằng các mức độ cảm xúc khác nhau. Con sẽ cố gắng xác định chính xác cảm xúc mà bố mẹ đang cố gắng truyền đạt thông qua sự kết hợp của các biểu hiện trên khuôn mặt, ngôn ngữ cơ thể và giọng điệu.
Ngược lại, bố mẹ cũng có thể khuyến khích con làm như vậy với bố mẹ để bố mẹ xác định cảm xúc của con tốt hơn, kiểm tra vốn từ vựng về cảm xúc của trẻ. Đây cũng là một hoạt động tuyệt vời để trẻ tập đọc.
3. Tôn trọng cảm xúc của con
Việc quản lý quá nhiều cảm giác trong một cơ thể nhỏ bé đôi khi có thể khiến con choáng ngợp. Một phần của việc nuôi dạy con về cảm xúc bao gồm dạy chúng rằng mọi cảm xúc là hoàn toàn bình thường, đối với cả những cảm xúc tích cực và tiêu cực. Cách tốt nhất để trẻ phát triển về mặt cảm xúc và dám nói ra suy nghĩ của mình, là bố mẹ cần học cách tôn trọng mọi cảm xúc của trẻ.
Giao tiếp cởi mở giữa bố mẹ và con cái giúp trẻ cảm thấy an toàn, được lắng nghe và yên tâm rằng cảm xúc của chúng là quan trọng nhất.
4. Chia sẻ cảm xúc và kỷ niệm của bố mẹ
Cảm xúc được liên kết chặt chẽ với trí nhớ. Đôi khi, chơi với con hoặc làm những việc hàng ngày ở nhà cùng nhau có thể khơi dậy một số ký ức thời thơ ấu của chính bố mẹ. Điều này thật tuyệt và đó là cách tốt hơn nữa để gắn kết với con, dạy chúng nhiều hơn về cảm xúc!
Khi cả gia đình vui chơi cùng nhau, bố mẹ hãy chia sẻ kỷ niệm về việc đã làm điều gì đó tương tự khi còn nhỏ. Bố mẹ cũng có thể nói về cảm xúc khi kỉ niệm đó diễn ra. Hãy thừa nhận cảm xúc của chính mình bằng một cách trung thực và cởi mở với con bạn để chúng cũng có thể học cách làm như vậy.
Thỉnh thoảng, bố mẹ sẽ cáu gắt với con cái và khiến trẻ bị hờn dỗi, tổn thương. Điều mà bố mẹ cần làm ngay sau đó và thừa nhận cảm xúc của mình và xin lỗi trẻ vì đã khiến con gặp phải cảm xúc như vậy.
Điều này cho con thấy một số điều: Bố mẹ thừa nhận và tôn trọng cảm xúc của con, bố mẹ dám nhận trách nhiệm đã gây ra nỗi đau cho người khác và bố mẹ biết điều quan trọng là phải truyền đạt đúng cảm xúc của mình.
Đây là tất cả những bài học vô giá cho trẻ em học hỏi!
5. Sử dụng đồ chơi để con thể hiện cảm xúc
Đôi khi bố mẹ nói chuyện với con về cảm xúc có thể giống như một cuộc thẩm vấn, đặc biệt là đối với những đứa trẻ nhút nhát. Đây là lúc mà trò chơi có thể trở nên hữu ích trong các cuộc trò chuyện.
Sử dụng những đồ chơi thân thiện với trẻ để khám phá thêm về những gì con bạn đang thực sự cảm thấy, cũng như giúp trẻ nhận biết cảm xúc. Cùng nhau chơi, bố mẹ có thể diễn tập các tình huống khác nhau và thảo luận lý do tại sao các nhân vật đồ chơi lại có các cảm giác khác nhau dựa trên tình huống cụ thể đó.
Bố mẹ thậm chí có thể thấy con thoải mái hơn khi thể hiện cảm xúc của mình cùng với một nhân vật đồ chơi hơn là giao tiếp trực tiếp với người khác.
6. Khen ngợi con
Khi con hiểu và có thể diễn đạt chính xác cảm xúc của mình, hãy đưa ra nhiều lời khen tích cực. Điều này vừa khiến trẻ cảm thấy tự tin để bày tỏ cảm xúc của mình, vừa cảm thấy được đồng cảm với cảm xúc của mình.
7. Nuôi dạy con thể hiện cảm xúc lành mạnh
Học cách xác định cảm xúc là một chuyện, nhưng làm thế nào để trẻ học chính xác cách truyền đạt cảm xúc của mình? Đây là lúc những câu nói “Con cảm thấy” phát huy tác dụng.
Dạy con bạn rằng khi chúng muốn nói lên cảm xúc của mình, chúng có thể bắt đầu bằng “Con cảm thấy…” và điền vào chỗ trống. Bằng cách này, bất kỳ ai đang nghe đều biết họ sắp nhận được thông tin quan trọng về cảm xúc của trẻ.
Khi cảm xúc của con bạn căng thẳng hơn và trò chuyện không phải là công cụ dễ tiếp cận nhất đối với chúng vào lúc này, hãy khuyến khích chúng thực hành “kỹ thuật chánh niệm”.
Đây là những kỹ thuật dạy con chú ý đến ngôn ngữ cơ thể và từ từ giải phóng những cảm xúc mạnh mẽ bên trong mình.
Cha mẹ có những biểu hiện cảm xúc lành mạnh có thể dạy con cái họ biết rằng cảm xúc là tự nhiên, mạnh mẽ và là một phần quan trọng trong trải nghiệm của con người ở mọi lứa tuổi.