Khởi phát từ dòng tweet của nữ diễn viên Alyssa Milano, #MeToo được xem như một phần trong chiến dịch tiết lộ mức độ phổ biến của nạn lạm dụng, quấy rối tình dục.[1] Kể từ đó, cơn bão #MeToo chính thức càn quét từ Âu sang Á, cuốn bay sự nghiệp của nhiều nhân vật đình đám. Dù không thể phủ nhận phong trào này đã góp phần đưa mặt trái của ngành công nghiệp giải trí ra ánh sáng, đem lại công bằng cho nhiều phụ nữ, song câu hỏi đặt ra là: liệu có phải bất kì vụ bê bối nào cũng rạch ròi trắng đen? Khi ấy, chúng ta phải xử trí thế nào? Bằng ngòi bút điềm tĩnh và thành thực, Mary Gaitskill đưa đến góc nhìn riêng biệt về phong trào này qua sáng tác của mình – Đây là lạc thú.
Lạc trong mê cung lời kể
Lấy bối cảnh phong trào #MeToo, Đây là lạc thú là câu chuyện đầy mê lực xoay quanh tình bạn kéo dài hơn hai mươi năm giữa Quin và Margot. Truyện mở ra ở thời điểm Quin dính phải cáo buộc quấy rối tình dục mà nạn nhân gồm bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí cả học trò của anh.
Đọc Đây là lạc thú, sở dĩ người đọc bất an là vì cách xây dựng người kể chuyện mới lạ của Mary Gaitskill. Khác với các tác phẩm cùng chủ đề như Maybe He Just Likes You, 13 Reasons Why, Đây là lạc thú không đặt điểm nhìn trần thuật vào nạn nhân hay bạn của họ. Trái lại, truyện được kể theo ngôi thứ nhất, luân phiên theo lời của Quin và Margot, người bị cáo buộc cùng bạn thân anh ta. Qua lời người kể chuyện, ta sẽ thấy nhiều chi tiết rối rắm xoay quanh vụ bê bối: phụ nữ tìm đến Quin để xin tư vấn về nghề nghiệp, mối quan hệ; sự giúp đỡ mà Quin dành cho họ; một vài hành động quá trớn của Quin; song song với đó là những điểm đáng ngờ trong lá đơn kiến nghị.
Bằng cách xây dựng người kể chuyện không đáng tin cậy, lựa chọn vai kể hoàn toàn mới mẻ, Mary Gaitskill khiến người đọc không khỏi băn khoăn, suy ngẫm. Cáo buộc về Quin khả nghi hay thông tin ta nghe được vốn đã sai lệch? Dù người kể không nói dối nhưng có khi nào tình cảm cùng thiên kiến của họ đã bóp méo câu chuyện?
Những ranh giới khó lòng phân định
Khác với các yếu tố bình đẳng giới trong khía cạnh chính trị hay kinh tế như quyền bầu cử, thu nhập trung bình…, khái niệm về hành vi lạm dụng, quấy rối trừu tượng hơn rất nhiều. Tuy vậy, việc phân định chúng vô cùng cần thiết. Thế nào là hành vi quấy rối? Một câu nói chòng ghẹo sẽ là trêu đùa hay quấy rối? Làm sao để phân biệt vấn đề thoả thuận hay ép buộc trong quan hệ? Khi một người phụ nữ im lặng hoặc gật đầu, họ có thực sự tự nguyện không? Cần lưu ý rằng, bất cứ ai sở hữu quyền lực đều có đặc quyền. Trong Đây là lạc thú, Quin từng khẳng định “Không ai phải làm gì hết.” nhưng anh quên rằng đa số phụ nữ tố cáo là cấp dưới của anh.
Lựa chọn thay đổi giọng kể luân phiên giữa hai nhân vật, Mary Gaitskill đã tô đậm ranh giới mong manh cùng sự đan cài phức tạp giữa hành xử chấp nhận được và không chấp nhận được của Quin, giữa cơn giận lí trí và mong muốn bào chữa đầy cảm tính của Margot.
Nghĩ về nó phỏng có ích?
Gaitskill khẳng định tác phẩm của bà không nhằm đổ lỗi cho phụ nữ hay bào chữa cho kẻ quấy rối. Thay vào đó, thách thức bà đưa đến cho người đọc là ta phải xử trí ra sao khi bạn bè hay chính ta là người trong cuộc. Chọn tin tưởng người bạn đáng mến đã chữa lành trái tim yếu đuối và ở bên ta lúc khó khăn, hay tin vào những nạn nhân đã đồng tâm lên tiếng?
Chỉ được nghe lời tường thuật của Quin và Margot, sẽ có lúc người đọc cũng rơi vào thế lưỡng nan. Mọi chuyện bắt đầu sai từ đâu? Liệu ta có gián tiếp dung túng cho các hành vi lạm dụng, quấy rối, xâm hại tình dục? Giống với bộ phim Promising Young Woman, Đây là lạc thú tái phác hoạ hình dung của chúng ta về kẻ xâm hại, các định nghĩa đậm tính nhị nguyên về người tốt – kẻ xấu. Cả hai tác phẩm trên đều bắt ta nhìn thẳng vào sự thật rằng đôi khi hung thủ của các vụ xâm hại, quấy rối không mang khuôn mặt gớm ghiếc, họ trông rất bình thường, thậm chí là những quý ông, những người ta mến mộ. Phải chăng vì thế nên ta có xu hướng bênh vực, biện minh bởi không muốn tin rằng những quý ông tài năng, lịch thiệp, đáng mến ngần ấy lại hành xử sai lệch.
Luận điểm này đẩy trách nhiệm lên vai không chỉ những người trong cuộc mà còn là bất cứ ai trong xã hội này. Chính thái độ, lời nói, cách chúng ta hành động (không hành động) đều có thể tạo ra tác động rất lớn. Đâu phải lúc nào tình huống cũng rạch ròi và nghiêm trọng như cáo trạng dành cho Harvey Weinstein. Khi ấy, chúng ta lựa chọn lắng nghe tiếng nói của nạn nhân về cảm giác của họ, về những điều mơ hồ nhỏ nhặt, hay cũng xem nhẹ nếu nó không cấu thành một hành vi rõ ràng đáng lên án như hãm hiếp. Nếu chọn lựa theo hướng ngược lại, liệu đám đông có biến #MeToo thành một “cuộc săn phù thủy”, góp phần nâng cao thành kiến đối với nam giới trong ngành giải trí, khiến nó mất đi mục đích tốt đẹp ban đầu?
Không có lời giải cho tình cảnh éo le này. Nhưng biết đâu chính nỗi hoang mang, bất an mà truyện mang lại sẽ thôi thúc ta đào sâu vào bản chất vấn đề, soi chiếu nó dưới nhiều góc độ. Ai là người lệch lạc, họ được nuôi dưỡng và có điều kiện giáo dục thế nào, môi trường nào đã bình thường hoá các hành vi quấy rối? Từ đó tìm ra giải pháp tận gốc rễ.
Từng nhiều lần xuất hiện trong Tuyển tập truyện ngắn Mĩ hay nhất và Tuyển tập truyện ngắn đạt giải O. Henry, với cuốn sách vỏn vẹn một trăm trang này, Mary Gaitskill đưa ra góc nhìn gây tranh cãi và nối dài thêm thảo luận về phong trào #MeToo nói riêng cùng phong trào nữ quyền nói chung. Vốn là phong trào xã hội, lấy sức mạnh đồng cảm giữa các nạn nhân bị quấy rối, tấn công tình dục, #MeToo trao quyền đánh giá, trừng phạt hung thủ cho đám đông. Vậy đám đông ấy phải sử dụng sức mạnh đó thế nào để bênh vực các nạn nhân đồng thời không cào bằng tất cả những kẻ bị cáo buộc. Đó là vấn đề Mary Gaitskill buộc ta phải suy ngẫm.
G.T
—————————————————————————-
[1] Năm 2006, nhà hoạt động xã hội Tarana Burke đã thành lập phong trào Me Too để đoàn kết sức mạnh của các nạn nhân bị lạm dụng, tấn công tình dục, tập trung chủ yếu vào đối tượng phụ nữ và trẻ em da màu. Năm 2017, sau dòng tweet của nữ diễn viên Alyssa Milano, #MeToo chính thức trở thành một phần chiến dịch nâng cao nhận thức nhằm tiết lộ sự phổ biến của nạn lạm dụng và quấy rối tình dục, nhất là tại nơi làm việc.