Làn sóng đấu tranh cho quyền phụ nữ trên thế giới những năm gần đây ngày càng lớn mạnh. Đứng trước sức ảnh hưởng này, rất nhiều tác phẩm về giới đã được các công ty sách cho ra mắt, góp phần hướng tới nhận thức và thực hành quyền phụ nữ tại Việt Nam.
Nhiều tác phẩm mới
Một trong số đó là những nỗ lực của Nhà xuất bản (NXB) Phụ nữ Việt Nam với tủ sách Phụ nữ tùng thư – Giới và phát triển. Đây là tủ sách hướng tới đấu tranh nữ quyền, vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam và sự phát triển bền vững của đất nước. Mới đây, bốn tác phẩm có ảnh hưởng lớn về các vấn đề phụ nữ bao gồm: Nữ quyền cho tất cả mọi người (bell hooks), Bí ẩn nữ tính (Betty Friedan), Lịch sử vú (Marilyn Yalom) và Yêu sách của Antigone (Judith Butler) đã được NXB cho ra mắt.
Đây đều là các công trình kinh viện có ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới. Nói về mục đích của tủ sách này, đại diện NXB Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi hướng tới việc lưu trữ các vấn đề phụ nữ một cách hệ thống. Chúng tôi muốn đánh giá lại lịch sử vấn đề phụ nữ đã được nghiên cứu như thế nào tại Việt Nam. Và cũng muốn trao đổi lại việc nghiên cứu đó với thế giới, và giới thiệu với thế giới về Việt Nam”.
Có thể thấy đây là các vấn đề phần nhiều học thuật, nên việc đại chúng hóa cũng cần tiến hành đặc biệt và theo quy trình. Bên cạnh việc cho xuất bản những tác phẩm nặng tính nghiên cứu, lý luận như Yêu sách của Antigone, Bí ẩn nữ tính… thì các tựa sách khác, dễ đọc, dễ hiểu và dễ tiếp cận như Nữ quyền cho tất cả mọi người, Lịch sử vú… cũng được phát hành song song.
Sắp tới đây, các tựa sách mới dành cho đại chúng như Nhìn nhận giới cũng được ra mắt đồng thời với các công trình nghiên cứu công phu như Rắc rối giới (Judith Butler), Thuật ngữ then chốt trong nghiên cứu giới (Jane Pilcher và Imelda Whelehan)…
Ngoài NXB Phụ nữ Việt Nam, thì Công ty sách San Hô cũng vừa tiết lộ các công trình nằm trong Tủ sách giới của mình, gồm The right to sex (Amia Srinivasan), My body (Emily Ratajkowski)…
Về các tác phẩm trong nước, Dư luận nữ quyền tại Huế (1926-1929) trên sách báo đương thời tập hợp dữ liệu về các hoạt động báo chí nữ quyền sôi nổi ở Trung kỳ những năm đầu thế kỷ XX cũng sẽ được giới thiệu trong tương lai gần. Bên cạnh các tựa phi hư cấu chứa nhiều thông tin, các tác phẩm hư cấu cũng được các công ty xuất bản lần lượt giới thiệu đến độc giả. Từ đó, tạo nên nền móng đầu tiên cho các vấn đề thời sự này.
NXB Phụ nữ Việt Nam cũng cho biết sắp tới sẽ phát hành The bloody chamber (tựa dịch: Căn phòng máu) của Angela Carter. Đây là tác phẩm của một nhà văn Mỹ đương đại về hình tượng phụ nữ bị áp bức tìm cách giải thoát chính mình. San Hô Books cũng đã giới thiệu đến bạn đọc Mắt nào xanh nhất (Toni Morrison) và Ta vẫn luôn sống trong lâu đài (Shirley Jackson) theo hướng tiếp cận nữ quyền luận vô cùng đặc sắc. Nối tiếp hướng đi đó, đơn vị này cũng sẽ giới thiệu Đây là lạc thú (Mary Gaitskill) tiếp nối những vấn đề về phong trào Metoo.
Hướng tiếp cận riêng
Với những vấn đề còn mới và có phần đặc biệt như nhận thức giới và đấu tranh nữ quyền, các công ty xuất bản cũng có những hướng hoạt động khác nhau, để lan tỏa sức mạnh cũng như tầm ảnh hưởng của các tác phẩm này. Một trong số đó là việc tổ chức xuyên suốt các buổi tọa đàm, trò chuyện trực tiếp cũng như trực tuyến để bất kỳ ai cũng có cơ hội theo dõi.
Trong tuần lễ Những ngày Văn học châu Âu mới đây, NXB Phụ nữ Việt Nam cũng đã mời được nhà nghiên cứu Judith Butler để trò chuyện với độc giả nước nhà. Song song đó là những buổi nói chuyện ở các trường đại học, các viện khoa học – xã hội của các dịch giả hay nhà nghiên cứu, như tiến sĩ Nguyễn Thị Minh (người dịch Judith Butler), tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu (người dịch bell hooks)…
Đại diện NXB Phụ nữ Việt Nam cũng cho biết thêm, sắp tới NXB sẽ đồng hành cùng VOGE (Tổ chức Thúc đẩy bình đẳng giới Việt Nam) trong vòng một năm với dự án thúc đẩy bình đẳng giới cho thanh thiếu niên Việt Nam. Về việc xuất bản, thì các đầu sách từ văn học cho đến lý luận sẽ tập trung hơn vào việc thúc đẩy nữ quyền, các vấn đề về giới cũng như giới thiệu các tác giả nữ tiêu biểu.
Cuối tháng Sáu vừa qua, San Hô Books cũng đã tổ chức tọa đàm giới: “Cách đọc Nữ quyền luận – Những tham chiếu từ Toni Morrison và Shirley Jackson”, từ đó giúp độc giả có những góc nhìn mới hơn về hai tác phẩm vô cùng quan trọng của văn chương Mỹ đương đại. Trong buổi nói chuyện, thạc sĩ phụ nữ học Võ Quỳnh Lan cũng cho thấy rằng, cách đọc nữ quyền luận cũng như phê bình nữ quyền luận ở Việt Nam còn chưa rõ nét. Bà lý giải một trong những nguyên nhân chính là ngành giới học và phụ nữ học chỉ được hình thành trong 60 năm gần đây, nên kỹ năng để đọc những văn bản trong góc nhìn này rất cần được hoàn thiện hơn.
Ngoài ra, dường như chỉ những người bị ảnh hưởng bởi bạo lực giới mới là đối tượng thấy điều này rõ nhất. Thế nhưng, khi xem xét tác phẩm dưới góc nhìn giới, chúng ta có thể thêm vào những góc nhìn đã có, giúp sáng tỏ thêm những khía cạnh khác như chủng tộc, giai cấp…
Từ những điều trên, có thể thấy giới xuất bản ngày càng quan tâm đến các vấn đề về giới, cũng như đấu tranh về quyền phụ nữ nhiều hơn. Từ đó có sự cộng hưởng giữa các phong trào nữ quyền Việt Nam cùng với thế giới.
Ngô Minh
Đa dạng sách nghiên cứu nữ quyền – Báo Phụ Nữ (phunuonline.com.vn)