Tin tức

‘Ta vẫn luôn sống trong lâu đài’: Quả chuông ác mộng của Shirley Jackson

ta vẫn luôn sống trong lâu đài - tiểu thuyết kinh dị

Ra đời chỉ ba năm trước khi Shirley Jackson qua đời ở tuổi 48, Ta vẫn luôn sống trong lâu đài là tác phẩm thành công, và cũng để lại nhiều dấu ấn nhất cho đến hiện tại của bà. Ở thời điểm ra đời, tác phẩm đã được tạp chí Time đánh giá là 1 trong 10 tiểu thuyết xuất sắc nhất năm 1962, được chuyển thể thành kịch năm 1966 và thành nhạc kịch năm 2010, thành phim năm 2018.

Là một trong những bậc thầy sáng tác truyện kinh dị, các tác phẩm của Shirley Jackson không những tái hiện được bầu không khí gothic khác lạ, mà đâu đó cũng ẩn chứa các vấn đề bên lề, về trạng thái tinh thần, sự cô lập cũng như mất kết nối. Bên cạnh Chuyện ma ám ở dinh thự Hill, Ta vẫn luôn sống trong lâu đài là tác phẩm cuối cùng, và cũng được đánh giá cao nhất của bà.

Tiểu thuyết Ta vẫn luôn sống trong lâu đài, San Hô Books và Nxb Thanh Niên liên kết ấn hành, qua bản dịch của Linh M. Nguyễn.

Tiểu thuyết kể về câu chuyện bí ẩn của gia tộc Blackwood với một dinh thự trong rừng, là nơi ẩn náu của hai chị em Constance, Mary và người chú già Julian. 6 năm trước, 4 người trong nhà Blackwood đột ngột qua đời trong một vụ mưu sát bằng thạch tín, kể từ đó dân làng luôn soi mói họ, và coi nhà Blackwood như nơi không thể dấn chân bước tới. Tuy nhiên, vào một ngày nọ, người anh họ Charles xuất hiện và mang theo những mưu mô chiếm giữ khối gia tài kếch xù. Điều gì sẽ giúp cho hai chị em chống lại ánh mắt soi mói và những khát vọng xấu xa đó?

KHÔNG KHÍ GOTHIC ĐẶC BIỆT

Được nhiều nhà phê bình và thế hệ độc giả ưu ái gọi là “bà hoàng truyện gothic”, nên không khó để thấy các dấu ấn của không gian này trong Ta vẫn luôn sống trong lâu đài. Đó là một toàn kiến trúc kiên cố, được giữ bao quanh khu rừng với các lối đi cắm bảng CẤM VÀO. Ở đó, những tàn dư còn lại của nhà Blackwood được giữ ngăn nắp, cố gắng không dịch chuyển thứ gì, và giữ những gì tổ tiên để lại trở thành những nền móng kiên cố của họ trước thời gian.

Shirley Jackson “gothic” một cách triệt để trong những diễn tiến câu chuyện. Ngoài cái ẩm ướt của mưa và sương mù giá lạnh, bà còn mô tả một vòng kiềm toả là những dân làng chỉ trích, và dường như họ không có khuôn mặt. Ở đó, họ phản ứng về tin đồn của nhà Blackwood bằng ánh mắt soi mói của những người đàn ông trước cửa tiệm tạp hoá, còn sau mành cửa là lãnh địa của đàn bà. Cả thị trấn ấy như mục ruỗng từ tận bên trong, và chỉ mang duy một màu xám ảm đạm, chết chóc.

Shirley Jackson tạo nên không khí ngột ngạt trong các mối quan hệ xã hội ở vòng ngoài, nhưng ở bên trong, bám theo suy nghĩ cũng như nội tâm của nhân vật Mary Blackwood, yếu tố kinh dị cũng được khai thác một cách rõ ràng. Trước ánh mắt soi mói của ngôi làng mà vào những ngày nhất định phải đi mua thực phẩm, không ít lần Mary giày xéo cũng như mong muốn họ chết quách đi, bằng những phương thức cũng như kiểu cách có phần rùng mình. Nhưng dù như thế, Shirley Jackson cũng khéo léo tạo ra một lớp vỏ bọc, đối lập với cái nghiệt ngã, tàn độc là vẻ ngây thơ, trẻ dại của những hiện thực mong muốn được xoá bỏ.

Một điều không may là không lâu sau khi tác phẩm này được xuất bản, Shirley Jackson đã bị suy nhược thần kinh và mắc chứng rối loạn ám ảnh sợ khoảng trống kéo dài, khiến bà không thể ra khỏi nhà trong nửa năm. Đáng nói dường như chính cảm giác này đã khiến bà tạo ra Constance như một phản ảnh cho chính mình, người vì bị cho là đã đầu độc 4 người trong nhà Blackwood, mà không thể chịu đựng được sự giáp mặt với con người.

Một thế giới cổ kính, kín đáo, tách biệt, có lịch sử lâu đời danh giá và những con người tính cách khác lạ; đã biến toà dinh thự ấy như Hill – một nơi chốn mà không phải ai cũng dám bén mảng đi đến. Tuy nhiên không phải ai cũng như thế. Đó là bà Clark, bà Wright cũng như bác sỹ Levy – những người nhiều phần tò mò, ít phần tin tưởng, vẫn đến dùng trà và mang mong muốn kéo hai chị em ra khỏi bãi lầy họ đang mắc phải.

Chính trong những lần cái phong bế bị giải thoát khỏi, Shirley Jackson đã tạo nên một cấu trúc như Rashomon của Akutagawa, một hiệu ứng chuyển cảnh, đưa ra nhiều giải pháp, để rồi cuối cùng không thể biết được đâu là nguyên nhân, cũng như đâu là kết quả. Chẳng hạn như khi bà Wright tò mò muốn hiểu câu chuyện, ba người thuộc nhà Blackwood đã có những trò đùa cợt vô cùng giễu nhại; hay khi dân làng nổi dậy trong cơn kích động phá huỷ ngôi nhà “ma ám”, Constance tiết lộ một điều gì đó về việc giết hết dân làng của Mary.

Câu trả lời về cái chết của nhà Blackwood hay ai là những hồn ma, và ai là con người thật; đến cuối vẫn không được Shirley Jackson giải đáp. Bà giữ trạng thái lơ lửng của những câu chuyện đa góc nhìn, luôn luôn biến ảo theo hiệu ứng Rashomon để lừa đón người đọc, và để bám theo mục đích rõ hơn: Ta vẫn luôn sống trong lâu đài không phải là một hành trình tìm ra sự thật, mà là quá trình hướng cho độc giả vào những vấn đề bên lề rất cần bàn thêm.

SỰ CÔ LẬP

Một trong số chúng là thái độ cô lập từ phía dân làng cho những “nạn nhân” của một vụ việc đã bị kết án. Dù cho Constance đã được trắng án là không hãm hại gia đình mình ở phiên toàn kết luận cái chết của nhà Blackwood, thế nhưng cả thị trấn ấy dường như không một ai tin vào phán quyết ấy. Nó khiến Constance sợ hãi đối mặt với những người khác, và chỉ quanh quẩn trong khu rừng thuộc về gia đình của mình. Mary mạnh mẽ hơn, nhưng cũng không ngừng chịu đựng những sự phán xét cũng như đùa cợt của những người ngoài. Điều tiếng và thiếu cảm thông là một yếu tố quan trọng, mà Shirley Jackson đã truyền tải được trong tác phẩm này.

Hậu chấn mà sự thù ghét gây ra đó là những sự cách biệt ngày càng tăng thêm biên độ cũng như giới hạn sức chịu đựng con người. Nếu Constance quanh quẩn ở nơi xó bếp, làm những món ăn và dọn dẹp nhà như thứ duy nhất mà mình có thể làm được, thì chốn ẩn náu duy nhất của Mary là mặt trăng và cái hang động bên rìa con lạch với chú mèo Jason. Hiện thực khắc nghiệt đến nỗi cô bé mơ về thế giới mặt trăng với những con ngựa có cánh, nơi Constance sẽ không còn buồn, chú Julian sẽ khoẻ mạnh hơn và ba người họ sẽ sống hạnh phúc.

Bà hoàng Gothic Shirley Jackson.

Thế giới ảo tưởng trở đi trở lại trong thế giới sáng tác của Shirley Jackson, và dường như đó là phương cách giúp giải phóng bà khỏi nỗi sợ hãi. Ngay khi hồi phục sau cơn suy nhược thần kinh vào năm 1962, bà đã viết rằng bản thân khát khao: “được tách biệt, được một mình, được tự đứng và bước đi trên đôi chân mình, không khác thường và yếu đuối và bất lực và nhục nhã.”

Đó là khát khao giải phóng bản thân ra khỏi hiện thực để đến mặt trăng của Mary, và hoàn toàn đối lập với Constance – người giữ truyền thống, người nâng niu những bát, dĩa, chén sứ, cũng như những lọ mứt và các loại gia vị nằm yên nghìn đời trên những kệ gỗ của nhà Blackwood. Tuy nhiên dù cho thoát li hiện thực hay là tin vào truyền thống, mỗi một phụ nữ (và người yếm thế) đều nên có được cơ hội tự mình quyết định. Và đó là lí do vì sao khép lại tác phẩm, Shirley Jackson cho hai chị em sống trong huyền thoại, dù là sai trái có phần xấu xa, nhưng toà lâu đài với những dây leo bị che mờ kín là thứ họ chọn, và ở trong đó họ thấy an toàn, như cái chết sẽ đến gần bà những ngày tiếp theo.

Ta vẫn luôn sống trong lâu đài là tác phẩm độc đáo và cũng khác lạ của Shirley Jackson. Ngoài tài năng thể hiện ở việc sáng tạo ra những không khí gothic, nó cũng cho thấy phản ảnh một mặt nào đó của chính Shirley Jackson, về mong muốn thoát li khỏi con người mục ruỗng chính mình đang là, với chứng nghiện rượu, hôn nhân tan nát cũng như bất ổn tan nát. Tuy thế kết cục của tác phẩm này đã truyền đi được thông điệp mạnh mẽ, và cũng có thể là chính những gì Shirley Jackson khao khát, không chỉ cho mình mà là cho ai đã là phụ nữ, cho ai bị vướng vào bãi sình lầy, một sự thoát li dẫu chỉ ngắn ngủi trong đời sống này.

NGÔ THUẬN PHÁT

‘Ta vẫn luôn sống trong lâu đài’: Quả chuông ác mộng của Shirley Jackson (vannghequandoi.com.vn)