Ngày 26 tháng 06 năm 2022 – San Hô Books tổ chức buổi Tọa đàm “Cách đọc nữ quyền luận – Những tham chiếu từ Toni Morrison và Shirley Jackson” tại toà nhà Devyt, 55 Trương Công Giai, Cầu Giấy, Hà Nội. Tại buổi tọa đàm, San Hô Books ra mắt hai cuốn sách văn học mở đường cho Tủ sách Giới và cùng diễn giả chia sẻ về những vấn đề văn học trong sự gắn kết với thực tiễn xã hội.
Tới tham dự buổi tọa đàm có sự tham gia của PGS.TS Vũ Thanh – Nguyên Phó viện trưởng Viện Văn học; ông Lê Thanh Hà – Giám đốc NXB Thanh Niên; Nhà báo Nguyễn Huy Lộc – Ủy viên Ban Biên tập báo Tiền Phong; ông Chu Đình Hoàng – Giám đốc San Hô Books; Biên tập viên Nguyễn Hà Trang. Và đặc biệt là hai diễn giả chính của chương trình: TS văn học, dịch giả Trần Ngọc Hiếu – Giảng viên khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Th.S Phụ nữ học Võ Quỳnh Lan – Đại học University of York, Anh Quốc cùng nhiều độc giả.
Phê bình nữ quyền với tư cách là một trường phái phê bình văn học phát triển mạnh mẽ từ giữa thế kỉ XX, cùng nhịp với phong trào nữ quyền rộng khắp. San Hô Books mong muốn từ việc đọc lại những tác phẩm quan trọng hàng đầu trong di sản văn chương nữ giới kinh điển, tiến tới nhìn thẳng vào nền mĩ học còn thấm đẫm định kiến giới ở Việt Nam.
Hai cuốn Mắt nào xanh nhất (tên gốc: The Bluest Eye) của Toni Morrison và Ta vẫn luôn sống trong lâu đài (tên gốc: We Have Always Live in the Castle) của Shirley Jackson mở đường cho Tủ sách Giới của San Hô Books.
Hai cuốn tiểu thuyết kinh điển xoay quanh những người phụ nữ phải vượt qua những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần, những mâu thuẫn giằng xé, những cái nhìn của xã hội, ngóng chờ tương lai được giải phóng khỏi sợ hãi, khát vọng mơ ước nhỏ bé của bản thân để vượt lên nghịch cảnh. Tủ sách Giới của San Hô Books cân bằng giữa các yếu tố kinh điển và đương thời, xen kẽ những Toni Morrison, Shirley Jackson với góc nhìn đương đại của Mary Gaitskill, Sarah Hall, Rebecca Watson, Armia Srinivasan…
Mắt nào xanh nhất sử dụng ngôn từ phong phú và tầm nhìn táo bạo, tái hiện lại một cách sống động nỗi sợ hãi, sự cô đơn và bi kịch của một bé gái da màu, phơi bày hiện thực trần trụi về vấn đề phân biệt chủng tộc nhức nhối trong lòng nước Mỹ. Trong khi đó, Ta vẫn luôn sống trong lâu đài là một thiên cổ tích ớn lạnh mà đẹp đẽ dị thường. Là nữ nhà văn sáng tác trong thời đại xã hội Mỹ chỉ ghi nhận sự hiện diện của người phụ nữ trong căn bếp, Shirley Jackson viết về sự phản kháng, cuộc nổi loạn, hiện thực hóa khát vọng “được tách biệt, được một mình, được tự đứng và bước đi trên đôi chân mình, không khác thường, yếu đuối, bất lực, nhục nhã”.
Tại tọa đàm, TS. Văn học Trần Ngọc Hiếu nhấn mạnh xu hướng nữ quyền giao cắt (các vấn đề giới – chủng tộc – giai cấp); sự liên hệ giữa vấn đề nữ quyền và thể loại Gothic; các cơ chế bạo lực, chấn thương về giới trong tiểu thuyết của Toni Morrison. Còn Th.S Phụ nữ học Võ Quỳnh Lan phân tích sự xuất hiện của tiểu thuyết Ta vẫn luôn sống trong lâu đài như một hiện tượng gắn liền với làn sóng nữ quyền thứ hai tại Mĩ và cách đọc một văn bản từ góc độ nữ quyền trong bối cảnh văn hoá Việt Nam.
Đại diện của San Hô Books chia sẻ mong muốn thông qua Tủ sách Giới gửi tới độc giả Việt những tác phẩm kinh điển lẫn đương thời nhất về chủ đề “giới”. Gần như độc giả quốc tế đang đọc và tiếp cận điều gì, độc giả Tủ sách Giới của San Hô Books cũng được đọc và tiếp cận những điều tương tự.