Học cách đọc truyện thiếu nhi là một trong những điều quan trọng nhất mà một đứa trẻ nên được hướng dẫn trước 10 tuổi. Mọi sự tăng trưởng vốn từ vựng đến thành tích trong tất cả các môn học chính ở trường đều liên quan đến khả năng đọc. Nếu muốn con phát triển ngoại ngữ, hãy cho con thường xuyên đọc truyện thiếu nhi bằng tiếng Anh.
Không có sự phát triển giống hệt nhau giữa hai em bé, vậy nên bố mẹ cần linh hoạt và quan sát các em để tìm ra các tiếp cận phù hợp với trẻ, để trẻ phát triển kỹ năng đọc được tốt nhất.
Kỹ năng đọc viết trước
Trẻ em bắt đầu được trang bị các kỹ năng cần thiết để đọc thành thạo ngay từ khi chúng được sinh ra. Trên thực tế, một đứa trẻ sơ sinh mới 6 tháng tuổi đã có thể phân biệt được âm thanh của tiếng mẹ đẻ và tiếng nước ngoài và đến 2 tuổi đã thành thạo đủ các âm vị mẹ đẻ để thường xuyên tạo ra hơn 50 từ. Trong độ tuổi từ 2-3, nhiều trẻ em học cách nhận biết một số chữ cái.
Các em có thể thích hát bài hát trong bảng chữ cái và đọc các bài đồng dao, điều này giúp các em phát triển nhận thức về các âm khác nhau tạo nên các từ tiếng Anh. Khi các kỹ năng vận động tinh phát triển, khả năng viết, vẽ và sao chép các hình dạng cũng vậy, những thứ này cuối cùng có thể được kết hợp giúp các em viết ra các chữ cái.
Có rất nhiều cách cha mẹ có thể khuyến khích con phát triển kỹ năng trước khi biết chữ ở trẻ em, bao gồm chỉ cho con các chữ cái, tạo cơ hội để trẻ chơi với ngôn ngữ và nuôi dưỡng niềm yêu thích với sách. Bố mẹ nên dành thời gian hàng ngày để nói chuyện với con, giúp bố mẹ hiểu con cái hơn và khuyến khích con tường thuật lại những câu chuyện trong ngày.
Trẻ em càng dành thời gian tập đọc nhiều với cha mẹ, giáo viên thì càng có niềm yêu thích với sách.
1. Hướng dẫn con đọc truyện thiếu nhi: Phương pháp Phonics
Các từ được cấu tạo từ các đơn âm. Do đó, việc đọc dựa vào khả năng giải mã các từ thành một chuỗi âm thanh của mỗi cá nhân. Mã hóa âm thanh là một quá trình ngược lại và là cách chúng ta đánh vần.
Phương pháp Phonics có liên quan đến việc giúp một đứa trẻ học cách chia nhỏ các từ thành âm thanh, chuyển âm thanh thành các chữ cái và kết hợp các chữ cái để tạo thành từ mới. Nhìn chung, có 40 âm vị tiếng Anh cần nắm vững và các chương trình khác nhau áp dụng các cách tiếp cận khác nhau để dạy chúng. Một số tài liệu dạy hướng dẫn trẻ nhóm các từ có phát âm tương tự nhau thành một nhóm, cũng có thể dạy các chữ cái có hình dạng giống nhau hoặc các chữ cái có âm tương tự với nhau.
Phương pháp Phonics là một trong những phương pháp được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới để bắt đầu dạy trẻ tập đọc tiếng Anh. Khi bắt đầu sử dụng phương pháp này, tốc độ phát triển kỹ năng đọc của trẻ có thể chậm và việc đọc thành tiếng đôi khi bị dừng lại vì trẻ phải vận động não nhớ lại, nhưng cuối cùng các quá trình nhận thức liên quan đến việc dịch giữa các chữ cái và âm thanh được tự động hóa và trở nên trôi chảy hơn.
Việc đọc truyện thiếu nhi tiếng Anh không phải lúc nào cũng được đánh vần theo cách nó phát âm. Điều này có nghĩa sẽ có những từ vựng bất quy tắc, không có một khuôn mẫu phát âm nào cả, trẻ sẽ phải học thuộc lòng.
2. Phương pháp tiếp cận toàn bộ từ ngữ
Phương pháp này dạy trẻ đọc ở cấp độ từ. Bởi vì nó bỏ qua quá trình giải mã từng ký tự, trẻ không phát âm các từ mà là học cách nói từ đó bằng cách nhận biết dạng viết của nó. Bối cảnh rất quan trọng và việc cung cấp hình ảnh sẽ giúp trẻ hình dung về từ đó, cách sử dụng từ đó. Khi vốn từ vựng của trẻ phát triển, chúng bắt đầu rút ra các quy tắc và ví dụ mà chúng có thể sử dụng để đọc các từ mới.
Trẻ tập đọc thông qua phương pháp này sẽ rèn luyện một quá trình tự động được gọi là đọc bằng mắt. Sau nhiều lần tiếp xúc với một từ, trẻ sẽ đọc được phần lớn từ vựng mà chúng gặp, kể cả những thuật ngữ không quen thuộc.
Việc tập đọc nhanh bằng mắt giúp trẻ nâng cao tốc độ đọc và tạo điều kiện cho việc đọc hiểu vì nó giải phóng sự chú ý của nhận thức để xử lý các từ mới. Đó là lý do tại sao người ta thường khuyên trẻ em học đọc từ vựng tiếng Anh tần suất cao theo cách này.
3. Phương pháp trải nghiệm ngôn ngữ
Đây là phương pháp tiếp cận toàn bộ ngôn ngữ giúp trẻ phát triển tích hợp cả 4 kỹ năng nói, nghe, đọc và viết thông qua việc sử dụng kinh nghiệm cá nhân và ngôn ngữ truyền miệng. Thông qua cuộc nói chuyện có chủ đích, giáo viên hoặc cha mẹ hỗ trợ con ghi lại cách phiên âm và ý tưởng sử dụng từ vựng quen thuộc của trẻ. Những bản phiên âm này sau đó được sử dụng làm cơ sở cho các hoạt động đọc và viết khác.
Sau đó, giáo viên và cha mẹ có thể tạo ra những câu chuyện độc đáo sử dụng các từ ưa thích của trẻ ở các dạng khác nhau. Trẻ em có thể vẽ những bức tranh đi cùng minh hoạ cho câu chuyện và ghép chúng lại với nhau để tạo thành một cuốn sách đọc đặc biệt.
Lời khuyên cho cha mẹ
Cho dù bạn sử dụng phương pháp nào, hãy ghi nhớ các mẹo sau:
- Đọc càng thường xuyên càng tốt. Bố mẹ hãy xây dựng thói quen đọc sách cùng con vào buổi sáng hoặc buổi tối. Bố mẹ có thể bắt đầu bằng cách đọc to nhưng để trẻ tham gia bằng cách chỉ ngón tay dọc theo văn bản. Hãy làm cho việc đọc sách trở nên thú vị.
- Bắt đầu với những cuốn sách mà trẻ thích. Nếu trẻ có chủ đề yêu thích, hãy tìm một cuốn sách có đầy đủ các từ vựng liên quan để kích thích sự hào hứng của trẻ khi đọc.
- Hãy để đứa trẻ tự chọn cuốn sách của mình. Khi trẻ có quyền tự quyết và có thể hình dung quá trình tập đọc diễn ra như thế nào, thì trẻ có nhiều khả năng muốn tham gia hơn. Đưa trẻ đến thư viện hoặc hiệu sách, khuyến khích chúng khám phá sách và tự quyết định xem chúng muốn đọc gì.
- Đừng tạo áp lực quá lớn. Việc ép buộc một đứa trẻ đọc khi chúng chưa sẵn sàng có thể dẫn đến những phản ứng tiêu cực và gây hại nhiều hơn lợi.