Bố mẹ thường mong muốn con mình có thói quen đọc sách từ nhỏ. Tuy nhiên nhiều bố mẹ lại gay gắt trong việc hối thúc, ép con trẻ đọc sách khi các em không muốn. Điều này không những làm ảnh hướng đến tâm lý của trẻ, mà còn làm trẻ hình thành suy nghĩ tiêu cực với việc đọc sách. Vậy làm thế nào để bé đọc sách một cách tự giác và thích thú? San Hô Books thông qua bài viết này sẽ mang đến bố mẹ những thông tin hữu ích.
CHO BÉ ĐỌC SÁCH TỪ SỚM
Việc được tiếp xúc với sách từ sớm sẽ giúp trẻ hình thành sự quen thuộc tự nhiên. Bố mẹ nên để bé có thời gian tiếp xúc từ từ với bất kỳ sự vật, hiện tượng chứ không chỉ mỗi sách vở.
Để bé làm quen với sách, bố mẹ nên chọn lựa những cuốn sách có chất liệu tự nhiên, thân thiện với da bé, bìa cứng để bé dễ dàng lật mở và sờ, chạm nhiều lần. Sách có hình ảnh minh hoạ, màu sắc tươi sáng chắc chắn sẽ thu hút bé chú ý và chăm chú xem các nhân vật đang làm gì. Việc tiếp xúc thường xuyên như vậy cũng sẽ giúp bé kích thích phát triển tất cả các giác quan.
CHO BÉ THƯỜNG XUYÊN ĐI THƯ VIỆN
Thời điểm con bạn hai tuổi, bé có thể thích đọc sách hơn bất kỳ hoạt động nào khác. Bố mẹ hãy sử dụng thời gian trong thư viện để trẻ được chọn sách và tiếp xúc với nhiều thể loại sách từ sớm.
Bằng cách này, bố mẹ cũng sẽ quan sát được phản ứng của trẻ với nhiều thể loại sách khác nhau. Từ đó có thể tìm ra những chủ đề, thể loại sách mà bé yêu thích và phát triển.
ĐỪNG HỐI THÚC TRẺ TẬP ĐỌC
Hầu hết trẻ em học đọc một cách tự nhiên sau khi chúng phát triển các kỹ năng sơ bộ. Mục tiêu của bố mẹ không nên là giúp trẻ phát âm thành lời mà là khuyến khích tình yêu của bé với sách, truyện tranh. Dạy con tập đọc có thể làm mất đi niềm vui khi đọc sách của con. Nếu bạn hối thúc trẻ tập đọc hay đọc sách quá nhiều, trẻ sẽ sinh ra tâm lý chống đối hoặc chán ghét, cảm giác này sẽ theo bé một khoảng thời gian dài và không giúp gì cho việc khuyến khích bé đọc sách.
Một số trường hợp, trẻ em không phát triển việc tập đọc cho đến khi 7 tuổi. Bố mẹ không nên lo lắng. Con sẽ nhanh chóng bắt kịp với những bé khác lúc 4 hoặc 5 tuổi. Bố mẹ có thể cảm thấy không an tâm vì con mình đặc biệt hơn so với trẻ khác. Tuy nhiên, hãy cho trẻ thời gian phát triển phù hợp và giúp đỡ bé đọc sách khi cần thiết.
Nếu bạn nhận thấy rằng con bạn có vẻ khó nhận dạng bảng chữ cái, hoặc nhầm lẫn giữa các chữ cái, hoặc không thể phát âm các từ, có thể là con có sự khác biệt trong học tập, chẳng hạn như chứng khó đọc. Bố mẹ hãy thảo luận vấn đề này với trường học của con bạn và yêu cầu nói chuyện với giáo viên, người sẽ tiếp xúc với trẻ thương xuyên và có kinh nghiệm trong việc chẩn đoán cũng như can thiệp sớm.
DÀNH THỜI GIAN ĐỌC SÁCH CÙNG BÉ
Việc tương tác cùng bé khi đọc sách thực sự có khả năng tăng sự tập trung của bé vào một vấn đề. Trước bữa ăn, bố mẹ chỉ cần đọc sách, kể một câu chuyện ngắn cho trẻ là đã có thể giúp trẻ tập trung ngồi im và chuẩn bị ăn uống. Các con sẽ tập trung hơn khi được đưa cho một cuốn sách, thay vì để con ngồi im trên ghế ngồi nhìn bố mẹ chuẩn bị bữa ăn.
Điều này cũng rất khác so với việc đưa cho trẻ một màn hình điện tử để xem trong khi ăn. Khi đó, trẻ sẽ nhìn chằm chằm vào màn hình trong khi đưa mọi thức ăn vào miệng trong vô thức, vừa có thể khiến bé bị mắc các bệnh về đường tiêu hoá, vừa không có lợi cho sự phát triển về lâu dài.
NGHI THỨC HOÁ VIỆC ĐỌC SÁCH
Hãy cùng nghi thức hoá việc đọc sách cùng bé, để đây trở thành một thói quen thực sự của trẻ. Bố mẹ hãy cùng bé đọc sách vào một khung thời gian cố định trong ngày. Đây có thể là khoảng thời gian sau bữa sáng, thời gian thư giãn cuối tuần vào buổi tối.
Một điều thú vị là trẻ em có động lực đọc sách hơn nếu bố mẹ thỉnh thoảng cho phép chúng thức khuya hơn một chút. Khi bé đọc sách vào khoảng thời gian này, bé sẽ cảm thấy tập trung và hào hứng hơn. Theo thời gian, bố mẹ hãy quan sát và đặt trên giường trẻ những cuốn sách phù hợp với bé.
Tuy nhiên, cũng có một số trẻ khoảng sáu tuổi sẽ thường cảm thấy mệt mỏi vào cuối ngày, khi đó hãy cho bé đọc những cuốn sách đơn giản. Bố mẹ có thể tăng sự trang trọng với việc đọc sách cùng con bằng cách sử dụng các yếu tố khác kích thích sự hào hứng của trẻ. Ví dụ như ánh sáng, bố mẹ có thể thắp một ngọn nến thân thiện với môi trường và bé. Về âm thanh, bố mẹ có thể bật những giai điệu không lời nhẹ nhàng phù hợp với câu chuyện hay chuẩn bị những âm thanh giúp bé hình dung câu chuyện rõ ràng hơn.
Tóm lại, việc để bé đọc sách một cách tự giác và thích thú không thể hình thành và phát triển lâu dài dựa trên sự hối thúc của bố mẹ. Việc này cần sự cố gắng thấu hiểu con, thời gian và định hướng một cách khéo léo của bố mẹ. Hãy để bé làm quen dần dần và tự xây dựng một sự tò mò thích thú với sách.