Tin tức

Bố mẹ nên đọc truyện thiếu nhi cho trẻ khi nào?

Đọc truyện thiếu nhi cho trẻ là một cách tuyệt vời để bố mẹ dành thời gian và gắn bó với con hơn. Đồng thời việc hình thành thói quen đọc sách như vậy sẽ mang lại nhiều lợi ích cho trẻ khi lớn lên và phát triển. Vậy bố mẹ nên đọc truyện thiếu nhi cho trẻ khi nào và như thế nào?

TẠI SAO TRẺ NÊN ĐỌC TRUYỆN THIẾU NHI?

Đọc truyện cho trẻ từ sớm là một cách tuyệt vời để phát triển mối quan hệ thân thiết và yêu thương giữa bố mẹ và con cái. Trẻ con sẽ thích sự quan tâm tự nhiên và những cái ôm sẽ khiến bé cảm thấy an toàn và bình an, điều này rất quan trọng đối với sự phát triển tinh thần và cảm xúc của bé.

Thời gian đọc truyện thiếu nhi cho bé nghe không chỉ giúp cả nhà gắn kết tình cảm. Bé nghe, đọc càng nhiều từ trong những tuần, tháng và năm đầu tiên, lặp đi lặp lại thì khả năng ngôn ngữ của bé sau này càng tốt. Nghiên cứu cho thấy khả năng ngoại ngữ tốt cũng có thể giúp bé học tốt các môn học khác ở trường.

Bố mẹ cùng đọc truyện thiếu nhi cho bé
Thời gian đọc truyện thiếu nhi giúp cả nhà gắn kết tình cảm

Trò chuyện với con về những chi tiết, nội dung trong sách, truyện và mở rộng ra những vấn đề xung quanh, giúp trẻ nhìn nhận những sự việc đó trong cuộc sống hàng ngày cũng là cách để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và sự hiểu biết của trẻ. Bé đọc đa dạng truyện, sách cũng sẽ mở rộng hiểu biết về các sự việc, sự vật mà trong cuộc sống không có dịp trải nghiệm.

KHI NÀO BỐ MẸ NÊN ĐỌC TRUYỆN THIẾU NHI CÙNG TRẺ?

Không bao giờ là quá sớm để cho trẻ đọc sách hay đọc sách cho bé nghe, ngay cả khi trẻ chưa biết nói. Trẻ con đã học cách nhận ra giọng nói của bạn khi còn trong bụng mẹ và bé sẽ thích nghe bạn nói, hát và đọc to ngay từ khi mới chào đời. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy rằng bố mẹ bắt đầu đọc truyện thiếu nhi cho bé nghe càng sớm thì tác động tích cực của nó thể hiện càng rõ khi bé lớn lên.

Tất nhiên, trẻ mới sinh chưa có nhận thức sẽ không hiểu ý nghĩa những câu từ bố mẹ nói, nhưng nhịp điệu và âm thanh khác nhau sẽ giúp kích thích và phát triển thính giác của trẻ cũng như tạo nền tảng tốt cho kỹ năng nghe sau này.

Dù bé bao nhiêu tuổi, việc đọc sách thường xuyên sẽ giúp bé thích thú và yêu sách hơn nữa vì nó mang lại rất nhiều trải nghiệm cho bé, giúp bé mở rộng thế giới quan. Hơn thế nữa, việc bố mẹ dành thời gian đọc sách truyện thiếu nhi cho trẻ sẽ giúp tăng tương tác giữa cả nhà, là thời gian để mọi người cùng thư giãn.

BỐ MẸ NÊN ĐỌC SÁCH CÙNG TRẺ NHƯ THẾ NÀO?

Điều quan trọng nhất là bé học cách tạo mối liên hệ giữa những điều bé yêu thích. Đó chính là bố mẹ hoặc giọng nói, sự gần gũi của bố mẹ với những câu chuyện bé yêu thích. Chính vì sự thoải mái đó, trẻ sẽ tận hưởng sự chú ý vào việc lắng nghe bố mẹ kể chuyện, tập trung vào câu chuyện được kể, từ đó nuôi dưỡng tình yêu với sách.

Đầu tiên, bố mẹ hãy đọc chủ yếu là để bé nghe và hiểu nhịp điệu của ngôn ngữ. Trẻ sẽ sớm bắt kịp tốc độ, cảm xúc trong giọng nói của bố mẹ, nhưng trẻ sẽ không thực sự hiểu những gì đang nghe thấy. Hãy thoải mái đọc truyện thiếu nhi cho bé nghe hay thường xuyên nói lời yêu thương với bé vì bé sẽ cảm nhận được hết và bày tỏ cảm xúc lại.

Khi thị lực của bé được cải thiện trong vài tháng đầu tiên, bé có thể sẽ bị mê mẩn bởi những bức tranh có màu sắc tươi sáng và độ tương phản rõ nét. Đây chính là thời điểm phù hợp để bố mẹ có thể lựa những cuốn sách có tranh minh hoạ màu sắc phù hợp cho bé để kích thích thị giác và sự phát triển giác quan của bé.

Bố mẹ nên đọc truyện thiếu nhi có hình ảnh tươi sáng cho bé
Truyện thiếu nhi có hình ảnh màu sắc tươi sáng sẽ giúp bé kích thích phát triển thị giác

Việc nghe đi nghe lại một từ sẽ giúp bé nhớ từ đó và hình thành kỹ năng ngôn ngữ. Bố mẹ hãy tìm những câu chuyện thiếu nhi sử dụng lặp lại các cụm từ giống nhau hoặc kể những câu chuyện yêu thích của bé nhiều lần. Để thu hút sự chú ý của bé, hãy thay đổi cao độ giọng nói của bạn hoặc sử dụng các giọng nói khác nhau cho các nhân vật khác nhau trong câu chuyện.

Nghiên cứu cho thấy rằng đọc sách tương tác là một cách tuyệt vời để giúp xây dựng vốn từ vựng và hiểu biết của trẻ. Vì vậy, mặc dù bé chưa thể nói lại, giao tiếp với bạn nhưng hãy cố gắng đặt câu hỏi cho bé về những gì bạn đang nói với bé.

Ví dụ, nếu có một quả bóng màu vàng trong cuốn sách, hãy chỉ vào quả bóng màu đỏ mà bé thích chơi cùng và hỏi bé: “Con thích quả bóng màu vàng hay quả bóng màu đỏ nhất?” Hãy tiếp tục và cho bé biết câu trả lời ngay: “Mẹ nghĩ con thích quả bóng màu đỏ hơn quả bóng màu vàng vì con hay chơi với nó.”

Bố mẹ có thể tìm sách có chứa các hoạt động được sắp xếp có chủ ý. Chẳng hạn như hình ảnh ẩn dưới nắp hoặc sau vách ngăn trượt. Các bài đồng dao dành cho lứa tuổi mẫu giáo là một lựa chọn tốt để bố mẹ đọc cho bé nghe, vì bé có thể sẽ thích nhịp điệu bài hát và cách diễn đạt vui tươi của chúng. Các bài đồng dao thường khá ngắn và dễ nhớ nên bé sẽ mau thuộc và tương tác với bố mẹ.

Điều quan trọng nhất là trải nghiệm của bé khi được bố mẹ đọc truyện thiếu nhi cho nghe. Hãy quan sát con và những phản ứng nhỏ nhất của con để biết khi nào bé sẵn sàng lắng nghe một câu chuyện dài hay ngắn, đâu là thời gian phù hợp để cùng bé chơi đùa.

Theo San Hô Kids, bố mẹ không cần phải cố định thời gian đọc sách cùng bé trong ngày, không cần ép trẻ tập trung quá lâu. Bố mẹ chỉ cần dành vài phút thực sự hiện diện bên cạnh con mỗi ngày, cùng bé phát triển trong những năm đầu tiên.