Một tập truyện rất đáng để đọc, không phải vì đó là tác phẩm của tác giả lừng danh địa cầu, nhưng lại là của một tác giả viết kiểu truyện độc đáo, ở tầm cao của thể loại. Tuy truyện ngắn của Shirley Jackson (1916-1965) không nổi tiếng bằng Ernest Hemingway (1899-1961) trước đó và Raymond Carver (1938-1988) sau này, nhưng truyện tối giản của bà không hề thua kém hai bậc thầy truyện ngắn kia. Shirley Jackson chào đời sáu năm sau khi O. Henry (1862-1910), Mark Twain (1835-1910) qua đời và Edgar Allan Poe (1809-1849) cũng qua đời rất lâu trước đó. Những tác giả này ít nhiều đã để lại dấu ấn trong truyện của Shirley Jackson. Nguồn mạch truyện ngắn Mĩ vì thế luôn tiến triển, được khơi dòng mới bởi nhiều tài năng. Có thể nói, riêng về truyện ngắn, nước Mĩ không có đối thủ trên địa cầu. Trong đó, truyện ngắn của Shirley Jackson luôn là một phần của di sản Mĩ.
Sở hữu một lối viết dung dị nhưng hàm nghĩa thì luôn đầy ắp và ẩn sâu sau câu chữ, rất đặc trưng cho tự sự tối giản tâm lí, ý nhị và gián đoạn, truyện của Shirley Jackson hầu như vắng bóng cốt truyện, không có các sự kiện giật gân, không cái kết có hậu,… nhưng bằng cách nào đó, bà mê hoặc người đọc bằng cách kể không có chuyện và đa phần khước từ cái kết theo lối truyền thống. Lối viết của Jackson có phần thiên về Thiền tính, đòi hỏi người đọc phải có Thiền tâm thì cơ may mới hiểu được chiều sâu ý nghĩa của văn từ. Bà sử dụng lối kể phân thân, hoặc song trùng, hoặc đồng dạng trong xây dựng nhân vật. Một cô gái trẻ (Phân xử qua giao đấu) sống ở chung cư, nổi giận vì ai đó lẻn vào nhà lấy đi vài thứ lặt vặt. Việc đó cứ lặp đi lặp lại nhiều lần. Cô theo dõi và biết được thủ phạm là một người đàn bà có tuổi ở tầng dưới. Cô quyết định đến gặp để cảnh cáo con người xấu xa kia. Nhưng rồi, khi bước vào căn phòng của người đó, một phụ nữ luống tuổi, sống cô đơn, không chồng con, cô gái bỗng thấy có một sự đồng cảm mơ hồ nào đó đang nhen nhóm trong cô. Dẫu vậy cô vẫn gián tiếp cảnh cáo người phụ nữ kia về thói tọc mạch. Nhờ sự can đảm tìm đến căn hộ của người phụ nữ, cô gái mới được biết các căn hộ “đều có chung một chìa khoá”. Đến lượt cô, một ngày nọ, trong phức cảm cô đơn hay sự tò mò trỗi dậy, cô gái mở khoá lẻn vào nhà người phụ nữ kia, rồi cũng tọc mạch lục lọi, sờ mó đồ đạc và cuối cùng bị chính chủ nhân căn hộ bắt quả tang. Cô gái cố phân trần cho hành vi của mình, nhưng người phụ nữ kia như thể đã thấu hiểu mọi chuyện, nói chuyện với cô như thể bà ta đã biết ngay từ đầu sự việc sẽ tiến triển theo cách đó, như thể mọi người “đều có chung một chìa khoá”. flái độ và ngôn ngữ của người phụ nữ kia hàm chứa ẩn ý, cô gái trẻ rồi cũng cô đơn, buồn chán và tọc mạch vì cõi đời nhạt nhẽo kia thôi. Nhưng có lẽ chủ ý của người kể chưa dừng ở đó, truyện còn gợi dẫn đến sự thấu hiểu và đồng cảm của con người, đặc biệt là những người tuổi tác, cô đơn, không gia đình, con cái. Phải chăng đấy là cảnh ngộ mà bất cứ người già nào cũng phải đối mặt?
Bút pháp song trùng tâm lí này, ở Mĩ, được dẫn dắt bởi bậc thầy truyện kinh dị Edgar Allan Poe, nhưng với Shirley Jackson, cách nhau gần một thế kỉ, sự song trùng đó được vận dụng theo cách gợi dẫn tâm lí và kết thúc bất ngờ, và chắc chắn nữ sĩ chịu ảnh hưởng nhiều từ thuyết phân tâm của Freud. Trong Charles, cậu bé Laurie học lớp mẫu giáo bịa ra một người bạn Charles hư hỏng và phục thiện của mình ở trường. Laurie điềm nhiên kể cho bố mẹ cậu vô vàn chuyện sai trái của Charles, nào là đánh bạn, đánh cô giáo, nói tục, đá cả bạn trai cô giáo,… Điều đó khiến cha mẹ Laurie lo lắng cho Charles và mong muốn được gặp mặt mẹ của Charles để trao đổi chuyện của cậu bé. Nhưng kết truyện lại là một sự bất ngờ lớn. Hoá ra là, chẳng có cậu bé nào trong lớp Laurie tên là Charles cả. Laurie đã bịa chuyện về Charles để tự kể về hành vi ở lớp của mình trong giao tiếp với cha mẹ. Có thể nói, đây là truyện thiếu nhi xuất sắc bậc nhất, đáng tuyển vào sách giáo khoa để giáo dục… người lớn về hành vi và tâm lí trẻ thơ. Một câu chuyện mang thiên hướng nổi loạn, gợi âm hưởng trong Bắt trẻ đồng xanh (J. Salinger, 1919-2010), kiệt tác ra đời sau truyện của Shirley Jackson.
Trong khoảng 20 năm sáng tác, Shirley Jackson hoàn thành 6 tiểu thuyết, hơn 200 truyện ngắn và 2 tập hồi kí. Số lượng tác phẩm này không nhiều, nhưng đã khẳng định được tài năng kể chuyện của bà. Truyện tối giản tâm lí của Shirley Jackson tạo dựng được bầu không khí căng thẳng đặc quánh. Chỉ bằng những sự kiện rời rạc rất đời thường, dựa trên lo-gíc tâm lí hoặc sự thao túng tâm lí, như trong truyện Đám đàn ông và đôi giày của bọn hắn, Jackson đã tái hiện cuộc chiến tâm lí ngầm giữa một người giúp việc trơ trẽn và một vị chủ nhà lịch sự, yếu đuối vì những ràng buộc đạo lí và miệng lưỡi cộng đồng. Cuộc tấn công tâm lí của người giúp việc hé mở cho người đọc thấy sự bất lực của cô chủ nhà và kết cục không thể thoát được ý đồ “muốn đến ở lại nhà chủ” của người đàn bà đó. Nguyên tắc lấn át tâm lí này không chỉ nói đến sự xấu xa hay ngoa ngoắt của người đàn bà đứng tuổi mà còn ẩn dụ cho những thoả hiệp trước sự độc ác của thế giới những người trưởng thành. Họ hiểu rất rõ tâm lí và niềm kiêu hãnh rởm của những quý cô sớm lấy chồng giàu có để dễ bề lợi dụng. Mặt khác, hiểu rộng hơn, người đọc sẽ thấy dấu vết sự xâm lăng tinh quái của những người dưới đáy xã hội vào thế giới thượng lưu, cũng như những điều phiền toái mà vì “đẳng cấp” giới tinh hoa đó phải ngậm miệng chịu đựng. Chưa hết, phải chăng đó là lí do tại sao cái xấu vẫn cứ tồn tại mãi trong đời sống con người? Vậy đó, ở cấp độ diễn ngôn, truyện của Shirley Jackson không chỉ mang tính dự báo mà còn là dự báo đa nghĩa, một kiểu diễn ngôn thách thức lòng kiên trì và tuệ năng từ người đọc.
Phải thừa nhận, đọc Jackson tâm lí chúng ta luôn căng thẳng vì cái xấu, cái ác đang trục lợi trước sự hồn nhiên, ngây thơ của con người. Truyện của Jackson mang tính cảnh báo cao độ. Bà viết về những chuyện vặt vãnh, nhưng mục đích và triết lí của chúng luôn hướng đến những góc khuất, mang giá trị thức tỉnh cao cho cuộc sống con người. Xét từ góc độ này, Jackson mang nợ với James Joyce (1882- 1941). Văn hào người Ai-len, người được xưng tụng là văn tài bậc nhất thế giới thế kỉ XX, đã khai sinh loại truyện tối giản tâm lí này. Trong Araby, Joyce tái hiện cảnh vỡ mộng của một cậu bé trước bóng tối của hội chợ vì do đến muộn và hội chợ đã giải tán, cuộc chơi đã tàn. Người đọc, nếu liên kí hiệu đến “hội chợ cuộc đời” sẽ đọc được nhiều ý tưởng sâu xa về nhận thức của con người trước bóng tối hay sự mù quáng, cũng như sự vô cảm của loài người. Truyện của Joyce hướng đến những dằn vặt, tranh đấu bên trong con người để chạm đến những giá trị nhất định. Trong khi đó, truyện của Jackson hầu hết lại cho thấy sự phá sản của những giá trị tâm lí, khi tâm lí bị trục lợi. Con người trong truyện bị ném qua lằn ranh của cái ác, cái xấu khi niềm tin bị xỏ mũi. Đa số họ mơ hồ ý thức được điều đó nhưng vẫn chẳng thể nào vượt thoát.
Người đọc đóng vai trò vô cùng quan trọng trong truyện của Shirley Jackson. Có thể nói, Jackson thuộc nhóm nhà văn tiên phong trong tự sự có tính đến việc tham gia đồng sáng tạo nơi người đọc. Bà đã kiến tạo được một kiểu “trò chơi ngôn ngữ” (Wittgenstein) với triển hạn nghĩa được mở rất sâu rộng.
Xổ số (1948) là truyện được đọc nhiều nhất của Shirley Jackson và là một trong số truyện ngắn Mĩ đặc thù nhất. Nó được xem là lời cảnh báo cho mọi hủ tục phi nhân tính, cho thói tôn thờ truyền thống ngu muội của con người, và là cú giải cấu trúc văn hoá nhân loại một cách hiệu quả và đau xót. Câu chuyện đã chuyển thể cho nhà hát, đài truyền hình, cả vũ ba lê và đọc trên đài phát thanh. Xổ số kể từ ngôi thứ ba, với người kể hạn tri, dẫn dắt cốt truyện theo lối kết thúc bất ngờ. fleo đó, từ đầu đến cuối thiên truyện người đọc bị cuốn vào nét nghĩa thuận của việc xổ số là người may mắn sẽ trúng số, được hưởng một quyền lợi vật chất rất cao, có ý nghĩa đổi đời. Toàn thiên truyện được dẫn dắt theo nội hàm của xổ số như cách người ta thường nghĩ về nó. flế nhưng, Shirley Jackson lại đưa ra cái kết hoàn toàn ngược lại với lo-gíc đó. Người trúng số trong cuộc rút thăm của dân làng là người bị ném đá cho đến chết vì một tập tục từ xa xưa rằng hiến tế người sống để có được mùa màng bội thu, để cộng đồng được an bình.
Câu chuyện này có cùng cấu trúc ngược theo cách Mark Twain từng thực hiện trong truyện Kẻ ăn thịt đồng loại trên chuyến tàu. Có một chuyến tàu lửa bị kẹt trong tuyết mà không một ai có thể thoát ra. Những ngày đầu mọi người giữ được bình tĩnh, cố sức chịu đựng những cơn đói hành hạ. Nhưng dần dà, việc cứu hộ khó có thể xảy ra ngay và nguy cơ nhiều người chết đói đã xuất hiện. Trước tình thế đó, từ đề xuất rụt rè ban đầu của một nhân vật, tất cả khách trên chuyến tàu đồng lòng đi đến giải pháp là bầu ra người chịu chết để lấy thịt cứu những người còn lại. Đoạn tiếp theo, người đọc sẽ chứng kiến cảnh hỗn độn cười ra nước mắt vì không có bất cứ ai nhận mình xứng đáng cho vị trí đó, bất chấp sự bầu chọn của cộng đồng. Thế kỉ XIX, nguyên tắc tự sự phô bày và diễn giải ngầm hoặc công khai được hầu hết nhà văn sử dụng. Mark Twain nói huỵch toẹt ra cái bản mặt của những kẻ khi được bầu với diễn từ bất di dịch là “phụng sự cộng đồng”, nhưng thực chất chỉ là vị kỉ. Nếu bầu ra người “chết thật” cho cộng đồng, trong bối cảnh xa hoa thượng lưu, thì liệu có ai đó đứng ra nhận sự tín nhiệm “cao cả” đó không? Đây quả là lối châm biếm đầy trí tuệ chết người của bậc thầy Mark Twain.
Thời của Shirley Jackson, không còn chuyện con người với những xung đột xã hội mà là kiểu con người “xung đột với chính nó” như cách William Faulkner từng khái quát trong Diễn từ Nobel 1949. flam vọng cải tạo xã hội, theo kiểu “nghiền nát các chướng ngại vật” của Balzac không còn nữa. flay vào đó là những con người đang cố tự hoàn thiện mình, hoặc có ai đó đang cố đánh thức con người khỏi chốn u mê từ các giá trị truyền thống lỗi thời. Từ góc nhìn này, Shirley Jackson khiến người đọc giật mình và đau xót khi những hòn đá ném chết người trúng số đang lao đến, bất kể người đó là con người, là vợ, là mẹ, là bầu bạn, hàng xóm,… Những tập tục phi nhân tính cổ đại này cần phải được gỡ bỏ. Nhân loại đã đi đến thời hậu hiện đại, những biểu hiện đó nay không còn, nhưng bản chất “hiến sinh” vẫn tồn tại như một gene độc hại, luôn biến tướng dưới nhiều dạng vẻ khác, nhân loại cần cảnh giác. Chẳng hạn những người nhân danh người gặp nạn (lũ lụt, động đất, sóng thần, dịch bệnh,…) kêu gọi từ thiện, thì hầu như chẳng có ai là làm không công. Truyện của Shirley Jackson gần gũi với bạn đọc Việt Nam cũng vì lẽ đó.
Shirley Jackson sinh tại San Francisco năm 1916, mất năm 1965 tại North Bennington, Vermont. Danh tiếng văn học của bà được ghi nhận trên toàn nước Mĩ, đặc biệt là truyện ngắn Xổ số, tiểu thuyết Chuyện ma ám ở dinh thự Hill (1959) và Ta vẫn luôn sống trong lâu đài (1962). Văn phong bà được Britannica xưng tụng là “bậc thầy của truyện kinh dị gothic và sự lưỡng lự tâm lí” (master of gothic horror and psycholo-gícal suspense). Bà là một trong số ít nữ văn sĩ đạt được sự mến mộ của đa số độc giả toàn cầu.
Hà Nội, tháng 7 năm 2023
GS.TS. Lê Huy Bắc