Tôi tin chắc rằng không ai là không biết cảm giác bị ghét bỏ, thậm chí bị hắt hủi, trong chốc lát hay suốt khoảng thời gian dài. Có lẽ cảm xúc này chỉ là dửng dưng, hơi khó chịu, nhưng cũng có thể là đau đớn. Thậm chí có lẽ vài người trong chúng ta biết thế nào là cảm giác thật sự bị căm hận – hận vì những thứ ta không làm chủ được và không thay đổi nổi. Khi ấy, ta được an ủi đôi chút nếu biết rằng sự ghét bỏ hay lòng căm hận này là không thoả đáng – rằng ta không đáng bị như vậy. Và nếu tâm lí ta vững vàng và/hoặc ta được gia đình và bạn bè ủng hộ, tổn hại sẽ được giảm nhẹ hoặc xoá mờ. Ta nghĩ về nó như cái căng thẳng (không đáng kể hoặc làm ta kiệt quệ) vốn là một phần cuộc sống con người.
Khi bắt tay vào viết Mắt nào xanh nhất, tôi để tâm đến thứ khác. Không phải việc kháng cự lại thái độ khinh khi của người khác, cách chuyển hướng nó, mà là những hệ quả bi thảm và làm ta kiệt quệ hơn nhiều khi ta chấp nhận rằng sự hắt hủi là chính đáng, là hiển nhiên. Tôi biết rằng một số nạn nhân tự căm hận chính mình dữ dội rốt cuộc đã trở nên nguy hiểm, hung bạo, sao chép chính kẻ thù đã làm nhục họ hết lần này đến lần khác. Số khác từ bỏ bản sắc mình; tan lẫn vào một thể chế đem lại cho họ nhân cách mạnh mẽ mà họ khuyết thiếu. Tuy nhiên, hầu hết những người khác vượt qua nó. Nhưng cũng có một số người suy sụp, âm thầm, không ai hay biết, không có tiếng nói để giãi bày hay thừa nhận nó. Họ vô hình. Cái chết của lòng tự trọng có thể diễn ra nhanh chóng, dễ dàng ở trẻ con, trước khi bản ngã của chúng có “chân.” Bao gộp bản chất dễ tổn thương của tuổi trẻ với cha mẹ thờ ơ, người lớn bài bác, và một thế giới mà, trong ngôn ngữ, luật pháp, và hình ảnh của nó, gia cố nỗi tuyệt vọng, vậy là hành trình đi đến suy đốn đã được định đoạt.
Vì thế, đề án cho vấn đề này, cuốn sách đầu tay của tôi, là đi vào cuộc sống của người ít có khả năng chống đỡ những thế lực gây tổn hại như vậy nhất vì độ tuổi, giới tính, và chủng tộc. Khởi đầu như chuyện kể ảm đạm về vụ tàn hại tinh thần, nhân vật chính không thể đứng một mình vì sự thụ động biến con bé thành khoảng rỗng trần thuật. Vậy nên tôi hư cấu ra bạn bè, bạn học, những người hiểu, thậm chí cảm thông, với cảnh ngộ của con bé, nhưng lại có lợi thế được cha mẹ nâng đỡ và bản thân chúng cũng có sự gan góc riêng. Vậy nhưng chúng cũng bất lực. Chúng không cứu được bạn trước cõi đời. Con bé gục ngã.
Cuốn tiểu thuyết này bắt nguồn từ một cuộc chuyện trò giữa tôi và đứa bạn thuở nhỏ. Chúng tôi vừa vào tiểu học. Nó nói nó muốn có đôi mắt xanh. Tôi nhìn một lượt để mường tượng nó với đôi mắt xanh và kinh hãi tột độ cái vẻ ngoài đó nếu nó được toại nguyện. Nỗi phiền muộn trong giọng nó dường như đòi được cảm thông, nên tôi giả vờ vì nó, nhưng, sửng sốt trước cái ý đồ báng bổ nó vừa thổ lộ, tôi lại “nổi điên” với nó.
Cho đến khoảnh khắc đó tôi đã từng thấy người xinh xắn, người đáng yêu, người tử tế, người xấu xí, và mặc dù tôi chắc chắn đã từng dùng từ “đẹp,” tôi chưa bao giờ trải qua cú sốc mà từ đó mang lại – sức mạnh của nó ngang ngửa với việc hiểu ra rằng không ai nhận ra nó, ngay cả, hay nhất là, chính người sở hữu nó.
Chắc hẳn tôi đã không chỉ xem xét gương mặt: cái im ắng của con phố đầu chiều, ánh sáng, bầu không khí thú tội. Dù sao đi nữa thì đó cũng là lần đầu tôi biết đẹp. Tưởng tượng nó cho mình. Vẻ đẹp không đơn giản là thứ để nhìn ngắm; nó là thứ người ta có thể làm ra.
Mắt nào xanh nhất là nỗ lực của tôi để nói đôi điều về chuyện này; nói đôi điều về chuyện tại sao con bé đã không có, hoặc cũng có thể sẽ không bao giờ có, trải nghiệm về cái mình sở hữu và cả tại sao nó lại cầu xin sự biến đổi quyết liệt đến vậy. Ngầm trong mong muốn của nó là nỗi căm hận chính chủng tộc mình. Và hai mươi năm sau, tôi vẫn còn thắc mắc người ta học đâu ra thói ấy. Ai nói cho nó? Ai khiến nó cảm thấy rằng thà làm kẻ quái dị còn hơn làm chính mình? Ai đã nhìn nó và thấy nó thiếu thốn như vậy, nhỏ nhít như vậy trên cán cân sắc đẹp? Cuốn tiểu thuyết này khoét đi cái nhìn đã kết án nó.
Phong trào đòi lại vẻ đẹp chủng tộc trong thập niên sáu mươi đã khuấy động những suy nghĩ kể trên, và khiến tôi nghĩ về tính cần thiết của yêu sách này. Tại sao, dù bị người ngoài chê bai, mà vẻ đẹp này lại có thể không được xem là mặc nhiên trong cộng đồng? Tại sao nó cần được ghi nhận rộng rãi trong công chúng để tồn tại? Đây không phải câu hỏi thông thái gì. Nhưng vào năm 1962 khi tôi bắt tay viết câu chuyện này, và vào năm 1965 khi nó thành hình một cuốn sách, câu trả lời chưa hiển nhiên với tôi như nó đã nhanh chóng trở nên hiển nhiên ngay sau đó và như bây giờ. Khẳng định vẻ đẹp chủng tộc không phải là phản ứng lại lối phê bình tự giễu hài hước những nhược điểm văn hoá/chủng tộc thường thấy trong mọi nhóm, mà là phản ứng chống lại quá trình nội hoá những giả định về sự thua kém không thể thay đổi khởi nguồn từ một cái nhìn bên ngoài, và quá trình nội hoá ấy gây tổn hại. Vì vậy mà tôi đặt trọng tâm vào chuyện làm sao cái thứ lố bịch như phi nhân hoá cả một chủng tộc lại có thể ăn sâu vào đối tượng mong manh nhất trong xã hội: một đứa trẻ; đối tượng dễ bị tổn thương nhất: một người phụ nữ. Trong nỗ lực kịch tính hoá mức độ tàn phá mà ngay cả thái độ khinh bỉ chủng tộc thoáng qua cũng có thể gây nên, tôi chọn một hoàn cảnh khác thường, không điển hình. Tính cực đoan trong trường hợp của Pecola chủ yếu bắt nguồn từ gia đình vừa què quặt vừa làm người khác què quặt – không giống những gia đình da đen bình thường và không giống gia đình người kể chuyện. Nhưng dù cuộc đời Pecola khác thường là vậy, tôi tin vài khía cạnh dễ tổn thương của nó ngụ sẵn trong mọi bé gái. Khi đào sâu cái công kích từ xã hội và gia đình mà có thể khiến đứa trẻ ngã quỵ theo nghĩa đen, tôi dựng lên một loạt những hắt hủi, một số diễn ra thường ngày, một số khác thường, một số tàn ác, trong lúc ấy vẫn cố hết sức tránh đồng loã với quá trình phi nhân hoá mà Pecola hứng chịu. Nghĩa là, tôi không muốn tước bỏ nhân tính của các nhân vật đã rẻ rúng Pecola và tiếp tay làm nó suy sụp.
Vấn đề thứ nhất là dồn sức nặng chất vấn của cuốn tiểu thuyết vào một nhân vật mong manh và dễ tổn thương như vậy có thể nghiền nát nó và dẫn dắt người đọc thoải mái thương hại nó thay vì tra vấn chính mình về cái nghiền nát đó. Tôi thấy dường như giải pháp của mình – chia chuyện kể ra thành nhiều phần mà bạn đọc phải tự tập hợp lại – là một ý hay, nhưng giờ tôi lại không vừa lòng với cách triển khai này. Hơn nữa, nó không có tác dụng: nhiều bạn đọc vẫn xúc động mà không động lòng.
Vấn đề còn lại tất nhiên là ngôn ngữ. Giữ cái nhìn khinh thị trong khi phá hoại nó là việc khó. Cuốn tiểu thuyết cố chạm vào cái nọc tự khinh bỉ chính chủng tộc mình, phơi nó ra, rồi xoa dịu nó không phải bằng bùa mê thuốc lú mà bằng thứ ngôn ngữ có thể tái tạo cái nội lực tôi đã phát hiện ra khi lần đầu trải nghiệm cái đẹp. Vì khoảnh khắc đó quá đậm đặc tính chủng tộc (cảm giác ghê sợ của tôi trước mong muốn của đứa bạn học: đôi mắt xanh biếc trên nền da đen trũi; cái tai hại nó gây ra cho ý niệm của tôi về vẻ đẹp), tôi vật lộn để viết ra thứ văn chương da đen không cách nào chối cãi. Tôi vẫn chưa rõ thứ đó là gì, nhưng cả thứ đó lẫn những mưu toan loại bỏ nỗ lực tìm hiểu đều không ngăn được tôi cố gắng theo đuổi nó.
Lựa chọn ngôn ngữ của tôi (ngôn ngữ nói, nghe, thông tục), việc tôi thông qua những chỉ dấu đã ghi sâu trong văn hoá da đen để giúp bạn đọc thấu hiểu trọn vẹn, nỗ lực đem lại bầu không khí thông đồng và cảm giác thân quen tức thì (mà không cần kết cấu nào để giải thích, ngăn cách) của tôi, cũng như việc tôi tìm cách vừa định hình vừa phá tan sự im lặng, tất thảy là những cố gắng biến nét phức tạp và sự giàu có của văn hoá Mĩ gốc Phi thành một thứ ngôn ngữ xứng đáng với bề dày văn hoá ấy.
Giờ ngẫm lại những vấn đề mà ngôn ngữ biểu đạt bày ra trước mắt tôi, tôi kinh ngạc vì chúng thịnh hành đến vậy, lì lợm đến vậy. Tai nghe các ngôn ngữ “văn minh” hạ thấp con người, mắt thấy những trò trừ tà văn hoá hạ thấp văn chương, chứng kiến con người ta được bảo toàn trong hổ phách đặc những ẩn dụ tước quyền – tôi có thể nói rằng đề án kể chuyện của mình ngày nay cũng khó khăn không kém gì thời ấy.
Toni Morrison
Thiên Nga dịch.