Mười ba câu chuyện dung lượng vừa phải, nội dung lôi cuốn cùng kết thúc khác thường chắc hẳn sẽ khiến bạn quên đi những giờ khắc quẩn quanh vô nghĩa. Tập truyện ngắn Hôm nay một người đàn bà hoá điên trong siêu thị có ý nghĩa đặc biệt với những ai đã, đang hoặc sẽ bước vào hôn nhân. Bởi lẽ, người trò chuyện với bạn chính là nữ văn sĩ Hilma Wolitzer – cũng là một bà nội trợ thấm thía biết bao nghịch lí và góc khuất của cuộc sống hôn nhân, gia đình.
Phần lớn truyện ngắn trong tuyển tập này được xuất bản những năm 60, 70, 80 của thế kỉ trước – khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, phụ nữ Mĩ phải “trả lại” không gian xã hội (public sphere) cho nam giới và trở lại với không gian bếp núc, nội trợ (domestic sphere). Trong bối cảnh ấy, họ phải tìm cách xoay xở để giải quyết hầu hết các vấn đề mà xã hội đặt ra cho gia đình mình, từ vết thương hậu chiến ám ảnh mỗi giấc ngủ cho đến khủng hoảng kinh tế, bệnh dịch,… Họ là những người bà, người mẹ nuôi nấng cô con gái không cha bằng các công việc làm thêm trong bếp (Mong bố), hay một người vợ đánh máy phong bì, nhét tờ rơi quảng cáo, đính kim tuyến lên búp bê nhựa để cùng chồng vượt qua cuộc Suy thoái kinh tế (Mẹ). Giữa những khoảng không chật hẹp của các căn hộ, phòng sản phụ, buồng khách sạn,… nữ giới trong truyện ngắn của Wolitzer luôn âm thầm, bền bỉ chống chọi lại nghịch cảnh trớ trêu thường nhật – nơi sức ì và tính vụn vặt dễ nhấn chìm con người trong cõi vô minh tàn nhẫn. Một người vợ mới quyết tâm cưu mang cô vợ cũ ốm yếu của chồng mình (Làm thêm), nén lại sang chấn tâm lí cá nhân để giúp chồng vượt qua cơn trầm cảm (Những ngày Chủ nhật), hay sẵn sàng tha thứ cho kẻ ngoại tình khi anh ta hứa nhất định sẽ bỏ thuốc lá trước mặt con cái (Cô X),… Bằng tấm lòng bao dung, kiên tâm như một “tặng phẩm” tự nhiên của tính nữ, họ đã không chọn buông xuôi, phó mặc cho cảm tính “lộng hành”, phá đi lớp băng định kiến vẫn phủ mờ lên các đặc điểm nhận diện người nữ (thiếu lí tính, hay ghen tuông,…). Lời chia sẻ của Hilma Wolitzer với phóng viên tờ New York Times: “Tôi không tin vào cái gọi là cuộc sống bình thường. Tôi nghĩ mọi cuộc đời đều phi thường.” có lẽ cũng dành để nói về những người phụ nữ trong tập truyện ngắn này.
Cũng chính trên phông nền ấy, Wolitzer có điều kiện tập trung khắc hoạ các hoạt động căn bản nhất của đời sống hằng ngày, từ đó phơi bày tính chất bạo lực của nó đối với người nữ một cách vừa trực diện vừa tinh tế, về cả phương diện thể chất lẫn tinh thần. Ở đây, mang thai và sinh nở trở thành một trong những khám phá lớn nhất của bà. Hoạt động có tính hiển nhiên này cho phép bình thường hoá nỗi đau ở người nữ, khiến một sản phụ phải gào thét trong cô độc và tuyệt vọng, khi nhận ra nỗi thống khổ đã được “phong ấn” lên cơ thể mình từ lúc mới lọt lòng, xoá tan mọi ý nghĩa thiêng liêng, cao đẹp mà người đời thường phú cho nó (Những bức ảnh). Nỗ lực để có một đứa trẻ cuối cùng kết thúc trong bi kịch, tạo ra một vòng lặp từ mẹ đến con gái (Mẹ). Tình dục cũng được miêu tả như một trải nghiệm mang dấu ấn bạo lực, khi nữ giới trở thành đối tượng thụ động tiếp nhận sự xâm nhập từ tác nhân bên ngoài (Những bức ảnh, Những cơ thể). Trầm cảm sau sinh (Hôm nay một người đàn bà hoá điên trong siêu thị) hay mất ngủ (Đêm đêm) là các loại bệnh kinh niên hành hạ phụ nữ ở độ tuổi sinh nở. Chỉ ra cái bất bình thường từ những gì vốn mang tính khuôn thước, Hilma Wolitzer đã cho thấy khả năng chịu tổn thương của người nữ trong từng vi mạch của đời sống thường nhật.
Nhiều truyện ngắn trong tuyển tập này ra đời trong bối cảnh làn sóng nữ quyền thứ hai ở Mĩ, nhấn mạnh các rắc rối hằng ngày vốn thường bị coi là “cá nhân” mà phụ nữ gặp phải đều nên được xem xét và giải quyết từ góc độ xã hội, dựa trên khẩu hiệu “Cá nhân là chính trị (The personal is political)”. Dù vậy Hôm nay một người đàn bà hoá điên trong siêu thị ra mắt bạn đọc Việt Nam vào thời điểm hiện tại vẫn có thể được xem như “những gì đến đúng lúc”. Các khái niệm về giới và nữ quyền không còn quá xa lạ ở nước ta, song bình đẳng giới đến nay vẫn còn là một câu chuyện phức tạp, nhức nhối. Giữa bối cảnh hội nhập văn hoá, phụ nữ bị đặt vào tình thế bấp bênh khi một mặt, nhiều định kiến truyền thống vẫn chưa hoàn toàn được gỡ bỏ; mặt khác, những giá trị mới ngày càng xô đẩy, chồng lấn thêm. Từ thiếu nữ cho đến phụ nữ trưởng thành, trung niên, dường như ai cũng đang loay hoay giữa hai lựa chọn kinh điển của một phụ nữ Á Đông hiện đại: trở thành người phụ nữ của gia đình hay người phụ nữ của xã hội, thậm chí làm sao “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, gồng gánh một lúc nhiều trách nhiệm trên vai.
Cuốn sách này chứa đựng nhiều ý nghĩa cá nhân đối với người dịch, bởi nó không chỉ đánh dấu quá trình làm việc cùng Anh ngữ như một cách thức trị liệu các sang chấn tâm lí có liên quan tới hoạt động ngôn từ; mà còn giúp người dịch bước qua khoảng thời gian loay hoay giữa các lựa chọn sống, yêu và trở thành một người phụ nữ. Trải nghiệm của các nhân vật trong tập truyện ngắn có một sợi dây liên kết vô hình với nếm trải hiện sinh của người dịch, và có thể sẽ còn nối dài tới nhiều bạn đọc nữa.
Hóm hỉnh, hài hước, nước đôi là nét duyên khó cưỡng trong văn phong của Hilma Wolitzer, song cũng là một thách thức lớn trong quá trình chuyển ngữ. Mặc dù đã cố công tra cứu và nỗ lực diễn đạt những chỗ chơi chữ, biệt ngữ xã hội,… trong nguyên tác sang tiếng mẹ đẻ, song bản dịch khó tránh khỏi thiếu sót. Mong bạn đọc đón nhận với tinh thần cởi mở và tiếp tục phê bình, góp ý để bản dịch được hoàn thiện hơn.
Xin chân thành cảm ơn San Hô Books đã tin tưởng giao cho tôi cuốn sách này và cảm ơn mọi cơ duyên đã đưa nó đến tận tay bạn đọc hôm nay!
Hà Nội, 19/06/2023
Đinh Thảo