Thế giới quanh ta tràn ngập các giai điệu và âm thanh, nhưng từ khi nào và làm thế nào mà chúng ta sáng tạo ra âm nhạc? Hãy để cuốn sách này đưa em vào chuyến phiêu lưu giao hoà giữa lịch sử và nghệ thuật, vượt thời gian và không gian để tìm ra câu trả lời. Trong hành trình đó, em sẽ học cách đọc một bản nhạc, làm quen với nhiều loại nhạc cụ thú vị, gặp gỡ những nhà soạn nhạc đại tài như Mozart, Tchaikovsky và các ngôi sao toàn cầu như Beyoncé, BTS. Nhưng, hơn cả là hiểu cách âm nhạc truyền tải thông điệp, cùng kết nối con người. Lịch sử âm nhạc dành cho trẻ em – cuốn sách mở ra cánh cửa tri thức đầy màu sắc cho những tâm hồn yêu nhạc.
Bật mí vài thông tin thú vị trong sách
- Chim chóc không chỉ cất tiếng ca cho thoả niềm vui như ta thích nghĩ. Chúng tạo âm thanh để báo vị trí, khoe mẽ, thu hút bạn tình, hoặc cảnh báo nguy hiểm đang tới. Ngược lại, loài người thực sự tạo ra âm nhạc – hay sáng tác – chỉ để thoả niềm vui.
- Năm 1952, John Cage (1912-1992) viết bản nhạc 4’33’’, người biểu diễn phải yên lặng tuyệt đối suốt 4 phút 33 giây. Thính giả trong khán phòng phải lắng nghe sự im lặng như thể đó là một tiết mục âm nhạc. Đây được coi là một trong những nhạc phẩm quan trọng nhất thế kỉ XX, bởi nó khiến ta đặt ra câu hỏi: “Âm nhạc là gì?”
- Với người Hi Lạp cổ, âm nhạc có liên kết với toán học, thiên văn học và thần linh. Thực tế, từ “music” trong tiếng Anh bắt nguồn từ Muse, chín nữ thần trí tuệ.
- Nhà soạn nhạc kiêm nghệ sĩ dương cầm người Hungary Franz Liszt (1811-1886) từng mê hoặc người xem không khác gì một ngôi sao nhạc pop hiện đại. Giai thoại kể rằng nhiều khán giả ngất xỉu trong buổi hoà nhạc của ông, có người thậm chí còn xin cắt tóc ông mang về!
- Em hãy tìm một cái chai rỗng và thổi qua miệng chai, đừng thổi vào bên trong nhé. Ban đầu, âm thanh chỉ như tiếng gió thổi, nhưng nếu luyện tập em có thể tạo ra nốt nhạc có cao độ rõ ràng đấy.
- Gamelan, trong tiếng Java nghĩa là nện, là dàn nhạc dùng nhạc cụ gõ bằng đồng, cồng chiêng, trống, thi thoảng có cả đàn dây và sáo. Có một truyền thuyết nổi tiếng rằng Lokanata, dàn nhạc gamelan đầu tiên, sở hữu ba chiếc cồng từng dùng để triệu hồi các vị thần.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.